Vì tôi quan tâm đến những điểm giao nhau và tương đồng giữa vấn đề tâm lý và vấn đề chính trị, trong bài viết đầu tiên này tôi muốn được trình bày vài quan điểm của mình về mối quan hệ tâm lý và chính trị với mục đích đặt nền tảng cho những bài viết và bài dịch tiếp theo và đồng thời để chia sẻ với độc giả cách tôi tiếp cận với đề tài trên và quan điểm của tôi tại sao chúng quan trọng. Thoạt đầu nhìn thì hai mảng tâm lý và chính trị dường như là hai khái niệm đối lập nhau. Thường khi chúng ta nói đến đời sống tâm lý thì nó có vẻ như một thế giới riêng, tách biệt với đời sống công cộng bên ngoài, là một thứ gì đó thuộc về nội tâm, kín đáo và không rõ ràng. Ngược lại, khi nói đến chính trị thì có thể chúng ta sẽ liên tưởng đến những hoạt động công cộng, được phô trương ra ngoài, là phần đời sống loài người mà ai cũng có thể quan sát được. Với quan niệm rằng đời sống tâm lý và đời sống chính trị là hai phạm trù hoàn toàn riêng biệt thì nó sẽ dẫn đến ngộ nhận rằng hai khía cạnh đời sống này không ảnh hưởng đến nhau. Đánh giá một cách chuẩn xác hơn thì ngày nay ít người trong chúng ta còn bị nhầm lẫn bởi sự ngộ nhận đó. Ít hoặc nhiều, đa số chúng ta đều nhìn nhận được rằng những cơ chế tâm lý sâu thẳm trong mỗi cá nhân đều phải chịu những tác động từ những thế lực bên ngoài như cộng đồng, giáo dục, nhà nước, v.v… và ngược lại những thế lực bên ngoài đồng thời phản ánh những cá nhân mà chúng đại diện. Sự tương tác hai chiều này, đôi lúc hòa hợp, đôi lúc mâu thuẫn, chính là khía cạnh mà tôi muốn nhấn mạnh vì chính điểm tương tác này là yếu tố quyết định cả hai. Sẽ không có đời sống chính trị nếu không có đời sống tâm lý và ngược lại.
Nhưng, để tiến một bước xa hơn, tôi xin mượn và giới thiệu với độc giả thuật ngữ mà nhà nghiên cứu và triết gia người Slovenia Samo Tomšič dùng trong những công trình của ông nhất là trong hai cuốn sách The Capitalist Unconscious: Marx and Lacan (Tư Bản Vô Thức: Marx và Lacan) và The Labour of Enjoyment: Towards a Critique of Libidinal Economy (Lao Động Để Hưởng Thụ: Hướng Đến Sự Chỉ Trích Nền Kinh Tế Dục Tính) đó là thuật ngữ “homology”, tạm dịch là tính đồng đẳng, để nói thêm về mối quan hệ giữa tâm lý và chính trị. Sự áp dụng thuật ngữ đồng đẳng là cần thiết vì những từ ngữ như “tương hợp” hoặc “tương tự” không thể nói lên hết đến được sự liên kết mật thiết giữa đời sống tâm lý và đời sống chính trị. Chúng không những tác động đến nhau mà, hơn thế nữa, chúng cùng chia sẻ cùng một cơ chế hoặc nói cách khác cơ chế hoạt động của tâm lý và chính trị cùng chung một lôgic và vì thế tâm lý và chính trị phản chiếu nhau như hai chiếc gương được đặt trước mặt nhau.
Sự quan hệ đồng đẳng giữa tâm lý và chính trị nói lên một điều rằng khi chúng ta tiếp cận những vấn đề chính trị, chúng ta không thể nào tiếp cận chúng một cách phiến diện. Những vấn đề liên quan đến kinh tế, điều hành, giáo dục, v.v…, không chỉ đơn thuần là những vấn đề của “hệ thống” hoặc “bộ máy nhà nước.” Chúng bắt buộc chúng ta phải quan sát không chỉ những gì được ghi xuống trên văn bản và những bộ luật, những gì được làm cho công khai và được phát biểu, mà chúng ta cần phải đi sâu vào những suy nghĩ, ham muốn, khát vọng đời tư, những hoạt động ngấm ngầm của những cá nhân, cho dù người đó là những người lãnh đạo hoặc những người dân thường, và những cơ chế tâm lý này đôi khi chìm sâu trong vô thức đến nỗi chính những cá nhân hoạt động theo những cơ chế này còn không nhận biết được để kiểm soát chúng. Với cái nhìn này nó giúp chúng ta phát hiện ra một điều rằng, khi chúng ta hoang mang không biết nên hiểu và nên bắt đầu từ đâu để giải quyết những rối ren trong chính trị, thì chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng “cơ chế chính trị hoạt động giống như cơ chế tâm lý” và phát hiện này là đầu mối giúp ta đi đến hai kết luận quan trọng.
Thứ nhất, như những chấn thương tâm lý, bên trong những vấn đề chính trị đều tồn tại một lịch sử, hoặc nói một cách khác, một câu chuyện nhiều tập với nhiều tình tiết éo le đã dẫn đến hiện trạng xã hội bây giờ. Thứ hai, những vấn đề chính trị đều có sự tiếp diễn. Chúng không những ảnh hưởng đến thế hệ bây giờ mà chúng luôn luôn có những hệ quả dai dẳng và lặp lại đến thế hệ sau, nhất là trong những trường hợp chúng ta không giải quyết những vấn đề đó một cách tận gốc. Chúng ta có thể so sánh những vấn đề chính trị như những chấn thương tâm lý trong một gia đình. Những chấn thương tâm lý của những đứa con là những kết quả và sự thừa hưởng những gì những bật tiền bối của chúng truyền lại, những gì từ cha mẹ, ông bà, dòng họ chúng, v.v…, và đồng thời những đứa trẻ này sẽ là những mầm nhân tiếp tục duy trì những chấn thương này đến những thế hệ sau chúng. Lịch sử, sự truyền lại, và sự thừa kế là những hoạt động của con người và vì thế chúng ta không thể nào mong giải quyết những vấn đề về chính trị, về đường lối, và hệ thống xã hội mà không mạnh dạng nhìn nhận và đối mặt với những khúc mắc giữa người với người. Đó chính là ý nghĩa của cụm từ “tâm lý chính trị”. Tâm lý chính trị có nghĩa rằng những vấn đề chính trị chính là những vấn đề tâm lý và chúng cần được giải quyết như là một vấn đề thống nhất - Đời Sống Chính Trị và Đời Sống Tâm Lý là hai trong một.
Khi chúng ta đã nhận thức được “tâm lý chính trị” thì khái niệm “chính trị tâm lý” cũng sẽ tự khắc nảy sinh. Mặc dù không quen, nhưng chúng ta phải công nhận rằng những cơ chế tâm lý bản chất nó đã mang tính chính trị. Như Samo Tomšič viết, “...những cá nhân là những hiện thân của sự rối loạn và mâu thuẫn hệ thống, những triệu chứng (bệnh) của họ không bao giờ tách rời khỏi khuôn khổ xã hội và những sự đau khổ riêng tư luôn luôn sẵn nói lên một sự thật nào đó về tình trạng kinh tế xã hội”. Sự công nhận khía cạnh chính trị trong đời sống tâm lý là tất yếu nhất là đối với một xã hội như Việt Nam vì chúng ta đã quá quen với suy nghĩ rằng đời sống tâm lý và cùng với nó, đời sống nội tâm là một thứ gì đó “phi chính trị”. Chúng ta đinh ninh rằng chúng ta đã thoát được khỏi vòng vây chính trị trong khi rất khó, nếu không muốn nói là không thể, thoát ra khỏi nó chỉ bằng cách rút mình lại vào trong thế giới riêng của mình giống như là chúng ta không thể thoát khỏi những trải nghiệm đau thương của quá khứ vì nó hình thành nên chúng ta. Vì vậy, khi tôi phân tích và dịch những bài với nội dung đề cập đến quan hệ cá nhân, gia đình, đời sống, văn hóa, những chủ đề tưởng chừng như là không dính dáng gì đến chính trị thì tôi mong độc giả ghi nhớ trên thực tế chúng là những vùng đất màu mỡ nhất để chúng ta tiếp cận và hiểu thêm về cách hoạt động của bộ máy chính trị.
Và cuối cùng, vì lẽ đó, tôi nghĩ một điều cần thiết nữa là chúng ta cần một cái nhìn khác về “cách mạng" và “đấu tranh”, cho dù nó là một công cuộc đấu tranh dân chủ hoặc vì một giá trị khác. Tất nhiên những cách thức và chiến lược đã được áp dụng từ trước đến nay vẫn quan trọng và vẫn có hiệu quả, chẳng hạn như biểu tình, bất tuân dân sự, và bất đồng chính kiến. Nhưng, song song đó, chúng ta cần dành không gian và công sức cho việc thay đổi nhận thức, củng cố nhân cách, chăm sóc bản thân và nhất là chữa lành những chấn thương tâm lý mà từ trước nay vẫn chưa có cơ hội được làm cho sáng tỏ và phục hồi. Theo như Tomšič, công việc vật lộn với những góc tối của mỗi con người chúng ta, công việc đặt câu hỏi hiện tại và quá khứ, những câu hỏi như là “chúng ta là ai?”, “tại sao chúng ta lại ra nông nỗi này?”, “những vết sẹo này nó xuất hiện từ khi nào?”, công việc nhìn thẳng vào những chỗ không lành lặn trong chúng ta và trong môi trường xung quanh chúng ta, tất cả những thứ đó được Tomšič gọi chung là quá trình “working-through" - là quá trình nỗ lực một cách thấu đáo và xuyên suốt để đón nhận và đương đầu với những chấn thương và mâu thuẫn trong con người chúng ta mà lâu nay bị chôn vùi, chính là một hoạt động chính trị và khía cạnh này là yếu tố tôi cho là không thể thiếu trong công cuộc đấu tranh trong tương lai cho một xã hội và đất nước tốt đẹp hơn.
V.A