(Bài dự thi của độc giả Hoài Nam với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
Châu Âu là cựu lục địa có nền dân chủ khá sớm trên thế giới. Mô hình chính trị chủ yếu ở đây là Đại nghị chế. Chính mô hình này đã tạo ra những nền dân chủ bền vững, ổn định, đặc biệt là khu vực Bắc Âu. Mô hình Đại nghị cũng có khá nhiều điểm tương đồng với hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay, nếu bỏ qua yếu tố quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điểm khác biệt là các hệ thống bầu cử ở châu Âu khá phức tạp, do đó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát và đối trọng tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Thiết nghĩ, việc tìm hiểu về chính trị châu Âu cũng như các cách thức bầu cử của các nước châu Âu sẽ có ích cho Việt Nam trong tương lai nếu có thể thay đổi được chế độ chính trị. Vì vậy, nhân cuộc thi do Nhà xuất bản Tự Do tổ chức, tôi xin giới thiệu sơ qua hệ thống bầu cử ở 4 quốc gia châu Âu: Anh, Đức, Thụy Điển và Phần Lan. Hy vọng đem lại những điều mới mẻ và lý thú đến quý vị độc giả.
I. VƯƠNG QUỐC ANH
Nghị viện Anh xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1265, được coi là Nghị viện có truyền thống lâu đời nhất trên thế giới. Nghị viện Anh bao gồm 3 thành phần: Hạ viện hay Viện Bình dân và Thượng viện hay Viện Quý tộc.
1. Hạ viện (House of Commons)
Hạ viện Anh hiện nay có 659 thành viên. Một đại biểu Hạ viện đại diện cho khoảng 89.000 dân. Để trở thành Nghị sĩ Hạ viện, ứng cử viên phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Trên 21 tuổi;
- Không mắc các bệnh tâm thần;
- Không ở trong thời gian bị hạn chế các quyền chính trị và dân sự do vi phạm pháp luật;
- Phải đóng tiền đặt cọc 500 bảng Anh. Số tiền này sẽ trả lại cho ứng cử viên nếu trong kỳ bầu cử ứng cử viên thu được từ 5% số phiếu trở lên.
Cách thức bầu cử Hạ viện:
Tất cả mọi công dân từ 18 tuổi trở lên trừ những người mất trí hoặc những người đang phải chịu án phạt tù hoặc đang bị tạm giam vì truy cứu trách nhiệm hình sự đều có quyền bầu cử. Phương pháp bầu cử được quy định là bầu cử đa số tương đối, nghĩa là người thắng cử là người có số phiếu cao nhất mà không cần vượt 50% số phiếu bầu.
Toàn bộ Liên Hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen chia làm 659 khu vực bầu cử. Mỗi khu vực bầu cử chỉ bầu một đại biểu. Cử tri lựa chọn một người trong danh sách các ứng cử viên. Số dân trong các khu vực bầu cử phải bằng nhau và khoảng 89.000 dân. Tỷ lệ cử tri Anh đi bỏ phiếu là khá cao so với các nước khác.
Cách thức bầu cử Hạ viện Anh khá đơn giản và dễ hiểu.
Phân chia ghế trong Hạ viện Anh sau cuộc bầu cử năm 2019
2. Thượng viện (House of Lords)
Thượng viện Anh hiện có 793 Thượng nghị sĩ, gồm nhiều thành phần khác nhau, như: Tổng giám mục và giám mục; quý tộc kế truyền (có thế kế truyền cho hậu duệ); Thượng nghị sĩ suốt đời; và Thượng nghị sĩ tư pháp suốt đời. Với cơ cấu Thượng nghị sỹ như trên thì chúng ta có thể hiểu được là các Thượng nghị sỹ của Anh không phải do dân bầu ra, mà được lựa chọn và bổ nhiệm.
II. CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
Quốc hội Đức có hai viện: Hạ viện và Thượng viện.
1. Hạ viện (Bundestag):
Hạ viện Đức có 598 nghị sỹ và có cách thức bầu cử khá phức tạp. Khi tham gia bỏ phiếu, mỗi cử tri sẽ nhận được một lá phiếu được chia làm hai phần với hai nội dung cần bầu chọn: Phần bên trái lá phiếu dùng để bầu cho một ứng cử viên và phần bên phải bầu cho một đảng chính trị.
Phần bên trái lá phiếu được sử dụng để bầu cho người đại diện của khu vực bầu cử đơn danh, nghĩa là mỗi khu vực bàu cử sẽ chỉ bầu cho một ứng cử viên. Phần này được tính theo hệ thống đa số tương đối (người chiến thắng là người có nhiều phiếu nhất) giống như bầu cử ở Anh, Mỹ. Nước Đức có 299 đơn vị bầu cử đơn danh, mỗi đơn vị có khoảng 250 nghìn cư dân. Như vậy, cả nước Đức sẽ có 299 nghị sỹ được bầu theo phương pháp này. Mỗi đảng có thể đưa một ứng cử viên của họ ra tranh cử tại một khu vực bầu cử. Ứng viên độc lập cũng có thể tham gia nếu họ thu thập được ít nhất 200 chữ ký từ những người ủng hộ trong khu vực mà họ tranh cử. Cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà mình ủng hộ để đại diện cho khu vực của họ. Ứng viên giành chiến thắng theo phương pháp này được bảo đảm ghế trong Hạ viện. Phần bỏ phiếu này sẽ giúp xác định chủ nhân một nửa số ghế tại Hạ viện Đức.
Phần bên phải lá phiếu dành để bầu cho một đảng chính trị thay vì một cá nhân ứng cử viên. Kết quả của phần lá phiếu bên phải này được tính theo từng bang. Số ghế mà mỗi đảng nhận được tại từng bang tỷ lệ với số phiếu bầu cho họ, tính trên tổng số ghế mà bang đó được phân bổ. Ví dụ, bang A được phân bổ 40 ghế; một đảng giành được 25% số phiếu trong phần bên phải của lá phiếu tại bang A, đảng này sẽ được phân bổ 25% số ghế trong tổng số 40 ghế đó. Nghĩa là đảng này giành được 10 ghế tại bang A.
Điều khiến cuộc bầu cử trở nên đặc biệt thú vị là lá phiếu cho phép các cử tri chia sẻ sự ủng hộ của họ giữa các đảng. Chẳng hạn, một cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng A ở phần bên trái lá phiếu và bầu cho đảng B ở phần bên phải lá phiếu.
Số ghế dôi ra
Số ghế Hạ viện được phân bổ tại mỗi bang tỷ lệ theo số dân của bang đó. Có thể xảy ra trường hợp, một đảng sẽ nhận được số ghế thông qua bầu trực tiếp cho ứng cử viên ở một bang nhiều hơn số ghế mà đảng này nhận được theo cách bầu của phần bên phải lá phiếu. Do mỗi ứng viên giành chiến thắng tại một khu vực đơn danh được bảo đảm một ghế tại Hạ viện, đảng đó sẽ được giữ nguyên số ghế giành được theo cách bầu trực tiếp. Trong trường hợp này, để bảo đảm số ghế được phân bổ cho các đảng tại Hạ viện tương ứng với tỷ lệ số phiếu mà các đảng giành được trong phần bỏ phiếu thứ hai, các đảng còn lại sẽ được nhận thêm ghế để cân bằng với số ghế dôi ra mà đảng kia nắm giữ. Điều này dẫn đến tình trạng Hạ viện sẽ có số ghế lớn hơn so với số ghế cơ sở là 598 ghế. Cụ thể, Hạ viện của Đức có 709 ghế trong kỳ bầu cử năm 2017, do số ghế dôi ra của các đảng.
Tuy nhiên, để vào được Hạ viện Đức, một đảng phải giành được ít nhất 5% số phiếu bầu của phần dành để bầu cho các đảng. Quy định này nhằm ngăn những đảng nhỏ và cực đoan có thể vào Hạ viện.
Bầu Thủ tướng
Cử tri Đức không trực tiếp bầu Thủ tướng, mà Hạ viện sẽ bầu ra Thủ tướng tại kỳ họp đầu tiên được triệu tập trong vòng không quá một tháng kể từ sau ngày bầu cử. Kỳ họp đầu tiên cũng có thể diễn ra sớm hơn, nếu các đảng thống nhất được về việc thành lập liên minh sớm. Lãnh đạo của đảng giành được nhiều ghế nhất sẽ là người đứng ra thành lập một liên minh đa số, với tổng số ghế của các đảng trong liên minh sẽ vượt quá 50% số ghế của Hạ viện. Sau đó, Tổng thống - người đứng đầu nhà nước và đóng vai trò nghi thức – sẽ giới thiệu người này là ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng. Và cuối cùng, các thành viên mới được bầu của Hạ viện sẽ bầu Thủ tướng thông qua một cuộc bỏ phiếu kín.
Phân chia ghế trong Hạ viện Đức sau cuộc bầu cử năm 2017
2. Thượng viện (Bundesrat):
Thành viên của Thượng viện bao gồm thành viên của chính quyền các bang. Các bang bổ nhiệm và triệu hồi các thành viên đó. Thông thường, mỗi bang có một đoàn đại biểu do người đứng đầu bang (Thủ hiến) lãnh đạo. Số ghế Thượng viện được phân bổ cho các bang tùy theo dân số của mỗi bang. Mỗi bang sẽ có tối thiểu 3 ghế; các bang có hơn 2 triệu dân sẽ có 4 ghế; các bang có hơn 6 triệu dân sẽ có 5 ghế, và hơn 7 triệu dân có 6 ghế.
Do Thượng viện không phải do cử tri bầu ra nên quyền lực của Thượng viện yếu hơn so với Hạ viện.
3. Tổng thống:
Tổng thống Đức là nguyên thủ quốc gia, một vị trí mang tính lễ nghi, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm và tối đa hai nhiệm kỳ. Những người tham gia bầu Tổng thống gồm thành viên của Hạ nghị viện và đại biểu của các bang - tổng số khoảng 1.260 người. Tổng thống có nhiệm vụ bảo đảm sự đoàn kết và ổn định của quốc gia; thực hiện các hoạt động chính trị mang tính biểu tượng.
Điều quan trọng của hệ thống chính trị của Đức là chất lượng lãnh đạo của các Thủ tướng như Konrad Adenauer (1949-1963), Willy Brandt (1969-1974), Helmut Schmidt (1974-1982), Helmut Kohl (1982-1998) và hiện nay là Angela Merkel là hết sức ấn tượng. Từ một đất nước bị chia cắt, kinh tế hoàn toàn sụp đổ sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, CHLB Đức đã vươn lên một cách mạnh mẽ, thống nhất hòa bình, trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu và một nước uy tín trên thế giới. Đó là nhờ đáp ứng được 5 yếu tố của một chế độ chính trị tốt: (1) Ngăn ngừa hình thành chế độ độc tài, (2) Ngăn ngừa đảo chính, (3) Bảo đảm chính quyền ổn định và làm được việc, (4) Ngăn cản việc thực thi các chính sách tồi và (5) Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.
III. VƯƠNG QUỐC THỤY ĐIỂN
Thụy Điển theo chế độ đại nghị, nghĩa là người dân sẽ bầu Quốc hội và Quốc hội bầu chọn Thủ tướng. Quốc hội Thụy Điển là cơ quan lập pháp một viện, gọi là Riksdag, có 349 nghị sỹ được bầu 4 năm một lần. Để ứng cử Quốc hội, ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định và phải được một đảng chính trị đề cử. Hiện nay có 8 đảng chính trị tham gia Quốc hội khóa 2018-2022.
Thụy Điển áp dụng hệ thống bầu cử đại diện tỷ lệ theo danh sách đảng mở. Theo phương pháp này, cử tri vừa bầu cho đảng, vừa bầu cho ứng cử viên mà họ thích trong đảng đó. Nghĩa là, trên phiếu bầu sẽ xuất hiện tên của đảng và cả tên các ứng cử viên của đảng đó. Cử tri sẽ chọn ứng viên mà họ thích nhất trong đảng mà họ bầu chọn. Ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất thì trở thành người đại diện cho đảng đó trong Quốc hội. Nếu một đảng giành được 5 ghế trong một đơn vị bầu cử thì 5 ứng viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ thắng cử.
Phân chia ghế trong Quốc hội Thụy Điển sau kỳ bầu cử 2014
Thụy Điển có ba cấp chính quyền là: trung ương, vùng và địa phương. Ngoài ra, còn có cấp châu lục ở Cộng đồng châu Âu (EU) với mức độ ngày càng quan trọng hơn.
Người dân Thụy Điển từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và có cơ hội gây ảnh hưởng đến các đảng đại diện cho họ tại Quốc hội, hội đồng tỉnh hay thành phố thông qua bầu cử và các cuộc trưng cầu dân ý; quyền gia nhập các đảng chính trị hoặc góp ý vào các dự thảo báo cáo của Chính phủ.
Hoàng gia Thụy Điển chỉ có tính biểu tượng và nghi lễ chứ không có trách nhiệm chính trị và quyền lực chính thức nào.
IV. CỘNG HÒA PHẦN LAN
Phần Lan cũng là một nước dân chủ Nghị viện với sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị và việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của Chính phủ.
1. Bầu Quốc hội
Quốc hội Phần Lan (Eduskunta) có lịch sử lâu đời từ thế kỷ 17 và được chính thức thành lập vào năm 1906. Quốc hội chỉ có một viện với 200 nghị sỹ và được bầu phổ thông. Nói chung các yếu tố cơ bản của việc tổ chức Quốc hội Phần Lan hầu như không thay đổi trong vòng 100 năm qua. Công dân Phần Lan từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và bầu ra Quốc hội.
Hệ thống bầu cử được thiết kế theo phương pháp tỷ lệ. Cử tri có thể bỏ phiếu cho một đảng và ứng cử viên của đảng đó, theo một danh sách các ứng cử viên của đảng. Phương pháp này cũng tương tự như bầu Quốc hội Thụy Điển. Điểm khác biệt là người bỏ phiếu có thể xếp hạng ưu tiên cho tối đa là ba tên, trong số các ứng cử viên trong cùng một danh sách của đảng mà họ chọn. Hơn nữa, một cử tri có thể bỏ phiếu cho tối đa ba người từ bên ngoài danh sách bằng cách nhập tên của họ vào phiếu bầu. Phương pháp D'Hondt được sử dụng để phân bổ ghế sau khi các phiếu bầu trong danh sách, phiếu ưu đãi và phiếu ngoài danh sách được ghép lại với nhau theo một quy trình hơi phức tạp.
Các đảng chính trị được bầu vào Quốc hội Phần Lan năm 2019
2. Bầu Tổng thống:
Ứng cử viên Tổng thống có thể được chỉ định bởi các đảng có ít nhất một ghế trong Quốc hội đương nhiệm; hoặc thu thập được sự ủng hộ của 20.000 công dân. Vào năm 1919, Tổng thống được bầu bởi đại cử tri. Đến năm 1988, bầu cử Tổng thống được tiến hành bằng hai phương pháp song song: vừa trực tiếp từ cử tri và gián tiếp bởi đại cử tri trong cùng một cuộc bầu cử. Từ năm 1994, Tổng thống đã được bầu bằng một cuộc bỏ phiếu phổ thông trực tiếp.
Nếu chỉ có một ứng viên được đề cử, người đó sẽ trở thành Tổng thống mà không cần bầu cử. Nếu không, vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng một trong năm bầu cử. Nếu một trong số các ứng viên nhận được hơn 50% số phiếu bầu, người đó sẽ trúng cử Tổng thống. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số trong giai đoạn đầu, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được bầu lại trong giai đoạn hai vào ba tuần sau đó. Tổng thống sẽ nắm giữ chức vụ vào ngày đầu tiên của tháng sau cuộc bầu cử.
3. Hệ thống chính trị Phần Lan khá thích ứng, thực dụng và dễ thu nạp:
Mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ và Tổng thống được điều chỉnh bởi các nguyên tắc của Nghị viện châu Âu với sự tham gia của các đảng chính trị. Chính phủ phải được đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ để bầu ra Thủ tướng. Tổng thống có quyền lực khá lớn trong các lĩnh vực ngoại giao, tuy không nhiều như Tổng thống Pháp và Tổng thống Mỹ. Trong cuộc cải cách Hiến pháp năm 2.000, quyền lực của Tổng thống đã bị thu hẹp, tuy nhiên do có quyền bổ nhiệm các nhân sự cao cấp của Chính phủ, nên Tổng thống vẫn có ảnh hưởng to lớn về chính trị. Chính phủ phải hợp tác tốt với cả Tổng thống và Quốc hội để giúp củng cố vị thế của Chính phủ trong các hoạt động chính trị.
Trong lịch sử khoảng 100 năm của mình, hệ thống các đảng chính trị của Phần Lan khá ổn định. Nguyên nhân là do lịch sử hình thành các đảng phái gồm có các tư tưởng dân tộc, ngôn ngữ, sự phân chia giữa chủ nghĩa xã hội và không chủ nghĩa xã hội, đại diện các cộng đồng nông thôn và sự ly khai của hai đảng cánh tả…
Các Chính phủ liên minh có thể khá lớn và bao gồm các thành phần có quan điểm chính trị rất khác nhau. Ví dụ như đảng cánh hữu lớn nhất, Đảng Bảo thủ Liên minh Quốc gia, có mặt trong Chính phủ cùng với hai đảng cánh tả khác trong giai đoạn từ 1995 đến 2003 và lặp lại trong Chính phủ thành lập năm 2011. Đồng thời các đảng mới cũng được thành lập và tham gia vào hệ thống cũng như có chân trong Chính phủ. Ví dụ như các đảng nhỏ Nông thôn Phần Lan, Liên minh Xanh cũng đã tham gia Chính phủ liên minh cùng các đảng khác.
Nguồn tham khảo
http://hdll.vn/.../mo-hinh-to-chuc-he-thong-chinh-tri-o...
https://vi.abadgar-q.com/.../2007_Finnish_parliamentary...
https://vi.abadgar-q.com/.../1907_Finnish_parliamentary...
https://luatminhkhue.vn/co-cau-to-chuc-cua-nghi-vien...
https://www.luatkhoa.org/2016/02/3701/
https://congdongviet.se/doi.../cach-thuc-bau-cu-o-thuy-dien
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #BaucuQuochoi2021 #VietnamElection2021 #Ngàyhộitoàndân #sángsuốtlựachọn