[Bài viết cho chuyên mục "Phân tích - Bình luận]
Nếu chính trị vận hành như một cỗ máy thì nó chạy bằng hai nhiên liệu chính: quyền lực và dục vọng. Đổi với quyền lực, nhà khoa học chính trị Gene Sharp định nghĩa tất cả các loại quyền lực căn bản đều là “quyền lực xã hội” (social power). Một người có quyền lực là người có khả năng kiểm soát và quyết định gián tiếp hoặc trực tiếp hành vi của một cá nhân hoặc một nhóm người khác. Quyền lực chính trị (political power) đơn giản chỉ là một loại quyền lực xã hội, nhưng nó chi phối những gì liên quan đến chính trị, như quyền hành và chính sách. Theo Gene Sharp, vì tất cả quyền lực đều là quyền lực xã hội nên quyền lực còn chứa đựng ý nghĩa là khả năng tổ chức và nó bao gồm khả năng điều hành, lên chiến lược, và sắp xếp bố cục, những khả hỗ trợ việc thành lập một cuộc sống cộng đồng dưới nhiều hình thức (gia đình, công ty, nhà thờ, v.v…).
Nếu quyền lực chi phối cuộc sống tập thể thì dục vọng chi phối cuộc sống cá nhân. Đôi lúc chúng ta nhầm tưởng dục vọng ám chỉ tình dục nhưng khái niệm dục vọng mang ý nghĩa rộng hơn, mặc dù tình dục cũng nằm trong phạm vi dục vọng và nó cũng có khía cạnh chính trị. Cha đẻ của thuyết phân tâm học, Sigmund Freud, định nghĩa dục vọng như một bản năng thúc đẩy một cá thể đeo đuổi và truy tìm sự thỏa mãn cho bản thân bằng cách này hay cách khác. Ta cũng có thể hiểu khái niệm dục vọng theo cách hiểu thông dụng là mọi người chúng ta ai cũng muốn tránh khổ tìm vui và theo đó chúng ta có thể xác định nhiều từ sát nghĩa với dục vọng mà chúng ta thường sử dụng hằng ngày chẳng hạn như “khát khao”, “mong muốn", “ước nguyện”.
Ban đầu Freud dùng khái niệm dục vọng để bàn đến những nhu cầu căn bản nhất như ăn uống, tình dục, nơi trú ẩn, tóm lại là những nhu cầu cần thiết cho sự sinh tồn của loài vật. Tuy nhiên, những khao khát và dục vọng của chúng ta thì mang nhiều hình thù, muôn màu muôn vẻ. Ngoài nhu cầu căn bản, chúng ta còn có những nhu cầu khác như tình yêu, tình bạn, sự giải trí, hoặc trừu tượng hơn như hạnh phúc, độc lập, hòa bình và tất nhiên quyền lực chính trị. Khía cạnh dục vọng trong chính trị nhiều lúc bị coi như là thứ yếu vì chúng ta thường tập trung vào những gì diễn ra trên bề mặt mà bỏ qua những gì tiềm ẩn. Nhất là khi chúng ta quan sát những hoạt động của một tổ chức hoặc phong trào chính trị thì chúng ta ngỡ rằng động cơ của họ hoàn toàn được dẫn dắt bởi những chuẩn mực chung và những ý định hoặc tính toán cá nhân không thể nào ảnh hưởng đến họ vì họ hành động trên danh nghĩa là một tập thể. Chúng ta muốn tin rằng đã là một tổ chức thì không có chỗ chứa cho những dục vọng nhỏ nhen. Vì vậy, chúng ta ít để ý đến chúng cho đến khi chúng vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta và một khi chúng đã lộ diện thì lúc đó đã quá trễ.
Dục vọng, như quyền lực, bản chất nó không tốt cũng không xấu. Sự mưu cầu hạnh phúc và sự thỏa mãn những nhu cầu cá nhân chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của con người. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra được vai trò quan trọng của sức mạnh dục vọng nhất là trong hoạt động tập thể và hoạt động tổ chức vì sự thành công của một tổ chức đòi hỏi những nhu cầu cá nhân phải được thỏa mãn. Khi những yêu cầu cá nhân không được đáp ứng thì sự thất bại của tổ chức đã lấp ló. Nhưng, như đã nói, dục vọng con người phức tạp, và một trong những thử thách lớn nhất của một tổ chức là làm sao thỏa mãn được những nhu cầu đa dạng một cách khéo léo nhất có thể để duy trì được sự hợp nhất của một tập thể và song song làm giảm thiểu những xung đột có thể xảy ra. Một thách thức nữa là làm sao chúng ta đánh giá được những dục vọng gì là chính đáng và những dục vọng gì là không chính đáng. Để trả lời câu hỏi này tôi xin lấy một ví dụ và cũng là đề tài chính của bài viết đóng góp lần này, đó là khát vọng căm thù và trả thù một ai đó.
Có một điều luôn làm tôi thắc mắc về tâm lý căm thù là nếu bản năng dục vọng của chúng ta theo lẽ tự nhiên phải hướng chúng ta đến những gì mang lại cho ta những cảm giác vui vẻ, tích cực, và khoái lạc, những gì nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần và thể xác chúng ta, thì tại sao chúng ta có thể đi đến đường cùng và đánh đổi tất cả để trả thù một ai đó đã làm hại mình mặc dù điều đó không đem lại lợi ích gì, có khi còn đem lại thiệt hại to lớn? Có gì đó vô lý ở đây. Hình như mong muốn thỏa mãn sự căm thù được ưu tiên hơn cả bản năng sinh tồn của một cá nhân và nghịch lý này làm tôi lúng túng chỉ vì nó xảy ra thường trực trong xã hội loài người.
Xin lấy tôi làm ví dụ. Vài năm trở lại tôi phải ý thức tránh xem mạng xã hội để tránh những tin tức và tranh luận tiêu cực xoay quanh đề tài xã hội chính trị, nhưng một khi tôi phát hiện một tin tức hoặc một bài bình luận hấp dẫn thì tôi có thể chìm đắm hàng giờ đồng hồ, thậm chí nhiều ngày liên tục chỉ để theo dõi chúng. Xu hướng này còn tệ hơn khi những nội dung đó mỉa mai, chửi rủa, hoặc chỉ trích những nhân vật hoặc những tổ chức mà tôi có hiềm khích. Một khi phát giác được mình đang làm gì thì nó khiến tôi khựng lại vì tôi nhận ra rằng những nội dung càng đậm chất căm thù và khiêu khích bao nhiêu thì một khoái cảm kỳ lạ trong tôi càng tăng trưởng bấy nhiêu, cho dù cùng lúc nó có gây cho tôi cảm giác căng thẳng và bất an đáng kể. Và điều làm tôi lo lắng hơn là có những thành phần còn dành nhiều thời gian và công sức hơn cả tôi vào công việc bồi dưỡng sự thù hận và đáng sợ hơn là sự lan tỏa tâm lý căm thù có thể ảnh hưởng và định hình quan điểm và cách hoạt động của một tập thể với mục đích chung.
Nhưng, mặc dù tâm lý căm thù có vẻ như là một tâm lý hoàn toàn vô ích và chỉ dẫn đến kết cục tự hủy hoại bản thân, nhưng, trên thực tế, chúng ta sẽ không dành nhiều công sức vào việc căm thù đến vậy nếu nó không mang lại gì cho chúng ta. Khi tôi nhận thấy được sự khoái chí trong người mình khi đang căm thù một ai đó, tôi mới nhận ra rằng phản ứng này đáng được chú ý. Đối với tôi, cảm giác căm thù có một sức hút mãnh liệt và tôi tin rằng không chỉ riêng tôi cảm nhận được sự lôi cuốn của nó. Vậy sức hút này xuất phát từ đâu? Một bài viết của bác sĩ trị liệu Grant Hilary Brenner mang tên “Sự Trả Thù Thật Sự Ngọt Ngào” (Revenge Really is Sweet) chỉ ra những chức năng tích cực của hành động trả thù. Sự trả thù, một khi đã hoàn thành, có thể đem lại sự cân bằng tâm lý cho những nạn nhân của sự tổn thương. Ông viết, một công trình nghiên cứu đã phát hiện rằng "...sự trả thù quả thực ngọt ngào - theo nghĩa nó giúp chúng ta hồi phục trạng thái cảm xúc trước khi chúng ta bị tổn thương”. Ăn miếng trả miếng không những đem lại sự cân bằng cảm xúc mà nó còn tạo ra những cảm xúc sảng khoái và vui vẻ. Brenner viết thêm, “những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những ai đã từng trải qua nhiều trải nghiệm bị đẩy ra bên lề xã hội hơn mức bình thường có xử sự một cách hung hăng hơn, tìm cách trả thù và tìm sự trừng phạt cho những gì họ coi là đã làm tổn thương họ. Những nhà nghiên cứu phát hiện rằng tâm trạng của những người được cải thiện vì họ đã được làm những điều đó.
Trên hết, nhà tư vấn Peter Vajda trong bài viết “Sự Trả Có Thù Ngọt Ngào hay không?” (“Sweet Revenge” Or is it?) kết luận rằng ý muốn phục thù còn có tính năng giúp cho những cá nhân đã từng bị tổn thương, bị hành hạ, bị sỉ nhục, và phải vượt qua những giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời họ tìm được lẽ sống cho mình. “Một trong những thiệt thòi của việc sống trong những “thời kỳ tồi tệ nhất” là nhiều người bắt đầu cảm thấy bất lực. Trong trạng thái bất lực này, họ cảm thấy như một “nạn nhân”, rằng mọi thứ đang “cản trở tôi”, rằng họ đang bị làm cho thương tích và bị đe dọa bởi những thế lực “ngoài kia.” Khi một cá nhân bị lún sâu vào cát lún “tâm lý nạn nhân,” họ thường cảm thấy rằng việc cần phải trách cứ và “trả thù” là chiến lược duy nhất để họ “tự giải phóng bản thân” và cho phép họ cảm nhận được những “thời kỳ tốt đẹp nhất”.
Khi đối diện với những cá nhân bị thôi thúc bởi sự căm thù thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là nên công nhận rằng sự phẫn nộ của họ là chính đáng mặc dù nó có nguy cơ trở nên không lành mạnh. Chúng ta phải công nhận rằng sự căm thù là có nguyên nhân và những tổn thương và thiệt thòi của những nạn nhân là thật. Họ tìm thấy được kết quả tích cực trong cái tâm lý tiêu cực và họ sử dụng nó như một nguồn năng lượng để giúp họ tiến thêm một bước nữa khi thế giới xung quanh họ trở nên vô nghĩa. Và hoàn cảnh của họ càng gay go và trắc trở bao nhiêu, thì khát vọng trả thù càng là một công cụ hữu dụng đối với họ bấy nhiêu và họ càng phải bám víu vào tâm lý căm thù. Trước khi chúng ta đối mặt với những cảm xúc tiêu cực của người khác bằng ánh mắt khiếp sợ hoặc kinh tởm, chúng ta nên cho phép người đối diện được quyền tiếp xúc với sự căm phẫn và những cảm xúc đau khổ trong bản thân họ và có khi còn phải cho họ cơ hội được thể hiện những cảm xúc này, cho dù nó có thô thiển đến cỡ nào, vì đây là một phản ứng rất đỗi con người và chính bản thân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta cũng từng bị tổn thương, bị đàn áp, bị sỉ nhục, và dĩ nhiên nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nung nấu ý định trả thù. Việc tệ nhất có thể làm khi đối mặt với tâm lý căm thù là phủi bỏ nó và giả bộ như nó không tồn tại, vì nó không biến mất mà chỉ bị dồn nén cho đến ngày bùng nổ.
Nhưng, dù biết rằng tâm lý căm thù có nguyên do và nó có thể giúp chúng ta giải tỏa tức khắc những muộn phiền và oán hận, nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng hành động trả thù không phải giải pháp tối ưu cho những vấn đề trường kỳ và đã gây ra những tổn thương sâu sắc. Sự căm thù có công dụng của nó nhưng nó giống như một con dao hai lưỡi. Nó giúp chúng ta bước tiến nhưng với cái giá là nó cũng níu kéo chúng ta lại. Nó giúp giải phóng chúng ta nhất thời nhưng nó cũng kiềm hãm chúng ta. Nó giúp chúng ta vượt lên trên kẻ thù nhưng nó cũng buộc chúng ta phải hành xử y như kẻ thù chúng ta từng làm với ta, vì kẻ thù của chúng ta cùng từng hành động một cách dã man, tàn khốc và hung bạo vì họ muốn trả thù những kẻ thù của họ. Và nếu chúng ta muốn trả thù bằng mọi giá, thì hệ quả sẽ là những nạn nhân mới của sự khát máu của chúng ta trước mắt sẽ là những người thân cận nhất với chúng ta, bất chấp đó là bạn bè, đồng nghiệp, hoặc gia đình vì sự căm thù đi đôi với sự bất chấp đúng theo cơ cấu dục vọng. Nếu mục đích của sự đấu tranh chính trị là để đạt được sự giải phóng bằng con đường chúng ta tự vạch ra cho mình thì sự căm thù sẽ là một rào cản.
Một nghịch lý nữa là việc duy trì sự căm thù đòi hỏi sự tồn tại của kẻ thù và do đó một mối quan hệ nằm trên nền tảng thù hận không những không cho ta lối thoát mà còn đẩy chúng ta càng ngày càng phụ thuộc vào kẻ thù của chúng ta hơn và kết quả là một nỗi ám ảnh không có điểm dừng. Việc dùng sự trả thù để cắt đứt đoạn sự ràng buộc giữa ta và địch chỉ có thể phản tác dụng và sợi dây oan trái càng lúc càng siết chặt thêm.
Để chấm dứt vòng luẩn quẩn này tôi không có ý khuyên những nạn nhân phải tha thứ hoặc bỏ qua cho những tội ác mà kẻ thù của họ đã gây ra. Sự tha thứ không phải là thần dược cho tâm lý căm thù. Chúng ta chỉ thật sự tha thứ cho những ai xứng đáng được nhận sự tha thứ và điều đó hoàn toàn dựa vào quyết định của phía bên kia có muốn tự sửa đổi để trở nên xứng đáng với sự khoan dung hay không. Thêm nữa, chúng ta không thể nào phí thời gian và công sức để chờ đợi thời khắc đó đến trong khi chúng ta còn một chặng đường dài phía trước. Ngay bây giờ chúng ta có thể chủ động đẩy công cuộc đấu tranh của chúng ta tiến xa hơn bằng cách cưỡng lại và tách khỏi lực hút của sự căm thù. Ngoài việc nhận thức được sự có mặt của tâm lý căm thù, chúng ta cũng cần nhìn và chỉ ra được những mặt trái của việc bị lôi cuốn vào vòng xoáy thù hận, rằng cho dù nó là một phản ứng tự nhiên nhưng về dài nó cũng chẳng giúp ích gì cho chúng ta cả. Khi nào chúng ta chịu gác đi sự thù hận, và điều đó không phải dễ, thì cũng là lúc chúng ta gác lại lịch sử đau thương và viễn cảnh tương lai của chúng ta sẽ chắc chắn thoáng đãng hơn và suy cho cùng đó cũng là cách “trả thù" hiệu quả nhất chúng ta có thể làm vì chúng ta không phải làm vì họ mà chúng ta làm vì lợi ích cho chính chúng ta. Như nhà thơ George Herbert từng viết: Sống Tốt Là Cách Trả Thù Hay Nhất (Living Well is the Best Revenge).
V.A