28/12/2020
(Bài viết do bạn đọc gửi NXBTD tham gia sách “Hong Kong – máu và tình yêu”)
Tuy về mặt chủ quyền, Hong Kong thuộc về Trung Quốc, nhưng giữa Hong Kong và Trung Hoa Đại Lục có những sự khác biệt rất lớn. Hong Kong có được những sự tự do nhất định về nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội… mà Trung Hoa Đại Lục không có được. Đây có lẽ vừa là kết quả của hơn 100 năm Hong Kong thuộc quyền quản lý của Anh quốc và cũng vừa là kết quả của cái gọi là mô hình “một quốc gia, hai chế độ” lần đầu tiên xuất hiện và được áp dụng trong lịch sử chính trị thế giới.
Điều 3 trong Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc ký kết vào năm 1984 gồm 12 cam kết của Trung Quốc về chính sách đối với Hong Kong sau ngày chuyển giao. Đây được xem là bước nhượng bộ của chính quyền Bắc Kinh để Anh đồng ý trao trả Hong Kong. Trong số 12 cam kết này, có một số điều cực kì quan trọng, cụ thể như sau:
- Đặc khu Hành chính Hong Kong được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung ương Trung Quốc. Đặc khu Hành chính Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, trừ các vấn đề liên quan đến ngoại giao và quốc phòng vốn thuộc trách nhiệm của Chính phủ Trung ương Trung Quốc.
- Đặc khu Hành chính Hong Kong có thẩm quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập, bao gồm cả quyết định chung thẩm. Luật pháp hiện hành tại Hong Kong sẽ được giữ nguyên trạng.
- Chính quyền của Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ chỉ gồm các thành viên là cư dân địa phương. Trưởng đặc khu sẽ được chỉ định bởi Chính phủ Trung Quốc dựa trên kết quả bầu cử hoặc ý kiến của người dân Hong Kong. Giới chức cấp cao của Hong Kong sẽ được đề cử bởi Trưởng đặc khu và được chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm.
- Hệ thống kinh tế - xã hội và lối sống ở Hong Kong sẽ được giữ nguyên. Các quyền tự do, bao gồm quyền của cá nhân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do kết hợp, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do thư tín, tự do biểu tình, tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do nghiên cứu học thuật, và tự do tín ngưỡng tôn giáo sẽ được đảm bảo bởi luật pháp Hong Kong. Luật pháp này cũng bảo vệ quyền tư hữu tài sản, sở hữu doanh nghiệp, quyền thừa kế hợp pháp và đầu tư nước ngoài.
- Đặc khu Hành chính Hong Kong sẽ được duy trì chế độ một cảng biển tự do và một lãnh thổ hải quan tách biệt. Hong Kong sẽ có ngân sách độc lập và Chính phủ Trung ương Trung Quốc sẽ không thu thuế đối với Hong Kong. Hong Kong tiếp tục là trung tâm tài chính quốc tế, và là thị trường trao đổi ngoại tệ, vàng, chứng khoán. Đồng dollar Hong Kong tiếp tục được lưu hành và được tự do chuyển đổi.
- Chính quyền của Đặc khu Hành chính Hong Kong có thể cấp giấy tờ thông hành cho việc xuất nhập cảnh ở Hong Kong.
Các cam kết này sẽ được duy trì trong 50 năm kể từ ngày được trao trả chính thức, tức là đến ngày 01/07/2047. Sau thời gian này, Trung Quốc có toàn quyền quyết định tương lai của Hong Kong, có thể sẽ tiếp tục duy trì quy chế đặc khu, hoặc cũng có thể là biến Hong Kong thành một đơn vị hành chính như các tỉnh thành khác của Đại Lục.
Nếu so sánh với lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm của đất nước này, 50 năm là khoảng thời gian không quá dài bởi nó chỉ tương đương với một chục nhiệm kỳ, với khoảng năm thế hệ lãnh đạo. Vậy nên với Trung Quốc, khoảng thời gian này là hoàn toàn có thể chờ đợi và nhượng bộ, và tất nhiên Trung Quốc Cộng sản không phải là những người biết giữ lời hứa. Chúng ta đã chứng kiến, sau khi tiếp quản Hong Kong vào năm 1997, Trung Quốc đã dần dần từng bước can thiệp vào chính trị Hong Kong với các chính sách bóp nghẹt từ từ những quyền tự do của người dân Hong Kong.
Còn với người dân Hong Kong, trong 50 năm này, họ đã tận dụng triệt để những quyền tự do có được nên đã không ngừng lập hội nhóm và tổ chức các cuộc biểu tình lớn nhỏ trong điều kiện báo chí truyền thông được tự do đăng tải thông tin mà không sợ bị kiểm duyệt. Vì vậy, Hong Kong mới có Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) có thể lập nên nhóm Học dân tư triều (Scholarism) khi vẫn còn là một cậu học sinh trung học. Và đến nay, anh đang là Tổng bí thư đảng Demosisto, một đảng đối lập Chính quyền thân Bắc Kinh của Hong Kong. Hong Kong còn có La Quán Thông (Nathan Law) mới 23 tuổi đã trở thành thành viên đắc cử trẻ nhất của Hội đồng Lập pháp Đặc khu, có Cách mạng Dù vàng và Phong trào Chiếm trung tâm từng khiến cả thế giới sửng sốt vào năm 2014.
Có lẽ chính quyền Bắc Kinh không ngờ rằng, trong khi họ tìm mọi cách để dần bóp nghẹt Hong Kong với hy vọng có thể “thu phục” vùng đất này sau 50 năm, thì người dân Hong Kong cũng đã có sự chuẩn bị của riêng họ để chống lại viễn cảnh tăm tối ấy. Hơn ai hết, người dân Hong Kong không hề mong muốn các thế hệ sau phải sống trong cái không khí tù túng và ngột ngạt khủng khiếp dưới sự áp đặt của chính quyền Bắc Kinh.
Vương quốc Anh và phương Tây đã từng buông tay họ, đã từng gạt họ sang một bên khi đàm phán với Trung Quốc nên họ chẳng còn cách nào khác là phải tự cứu lấy chính mình.
Nguồn tham khảo: