Nguồn ảnh: SBS NEWS
Bài viết của bạn sinh viên tên Trần Đông hưởng ứng lời kêu gọi "Hãy giúp Hong Kong theo cách của chúng ta!"
Bạo lực ở Hong Kong ngày càng leo thang. Chính quyền đặc khu mà đứng sau là Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ và phía sinh viên chắc chắn sẽ không đầu hàng nếu như các điều kiện của họ không được đáp ứng. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào một giải pháp quốc tế. Vậy giải pháp đó có thể diễn ra dưới hình thức nào?
Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng. Nó quy định một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất định hình nên phương cách hành động của LHQ là tôn trọng và không can thiệp vào nội bộ của nhau, giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình (điều 2 Hiến chương).
Tuy nhiên, nguyên tắc này lại là một trong các nguyên tắc có ngoại lệ. Đó là nếu xét thấy cần thiết để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế thì Hội Đồng Bảo An có quyền ra nghị quyết can thiệp vào quốc gia đang gây ra mối đe dọa đó. Kể cả can thiệp quân sự (chương 7 Hiến chương: trường hợp hòa bình bị đe dọa, hòa bình bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược).
Nội chiến Libya 2011 là một minh chứng điển hình của sự can thiệp quốc tế khi Liên quân 15 nước tấn công vào Libya theo Nghị quyết 1973 của HĐBA. Nghị quyết này được ban hành trước tình trạng xung đột kéo dài ở Libya giữa quân chính phủ ủng hộ nhà độc tài Gaddafi và quân nổi dậy của dân chúng biểu tình. Theo đó, chế độ Gaddafi đã bị cáo buộc những tội ác diệt chủng chống lại loài người khi thiêu sống những ai từ chối chiến đấu chống lại quân nổi dậy, sự dụng “bia đỡ đạn” là hàng ngàn con người khỏe mạnh, và sự dụng máy bay tấn công vào người biểu tình,.. Con số thống kê và đang còn nhiều tranh cãi ước tính có từ 2.500 đến 25.000 người đã chết trong cuộc nội chiến từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2011.
Chúng ta có thể hi vọng một sự can thiệp trực tiếp của quốc tế vào Hong Kong nếu như tình trạng khủng hoảng vẫn tiếp tục xảy ra và bạo lực ngày càng leo thang. Mặt khác, dù đã quy định rõ là mỗi quốc là một lá phiếu, không phân biệt lớn-nhỏ, giàu-nghèo. Liên Hiệp Quốc vẫn không thể thoát khỏi sự chỉ trích là sân chơi của các cường quốc bởi vì cơ chế bầu cử ra quyết định của HĐBA.
Hội Đồng Bảo An được cơ cấu gồm 15 thành viên. Trong đó có 5 thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực được bầu cử theo định kỳ (điều 23). Nghị quyết của hội đồng chỉ được thông qua khi có 9/15 phiếu và không có bất cứ một phiếu chống nào từ 1 trong 5 thành viên thường trực (điều 27).
Điều đó có nghĩa, dù cho có 14 phiếu thuận nhưng chỉ có một phiếu chống của một trong năm thành viên thường trực thì dự thảo nghị quyết đó sẽ bị hủy bỏ.
Dưới đây là 2 ví dụ cụ thể:
1, Thông qua: Nghị quyết 1973 về quyết định can thiệp quân sự vào Libya 2011. Nghị quyết này được thông qua khi đạt được 10 phiếu thuận, trong đó có 3 nước thành viên thường trực (Anh,Pháp, Mỹ) và 7 nước không thường trực. Nga và Trung Quốc là 2 nước thường trực và 3 nước không thường trực khác bỏ phiếu trắng. Nghị quyết được này đã được thông qua. Cần phải nói thêm rằng nhà độc tài Gaddafi nhận biết được tầm quan trọng của cơ chế này cho nên “đã nhờ Nga làm trung gian hòa giải”. Tuy nhiên Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Mendvelev không ủng hộ Gaddafi và tuyên bố “Gaddafi phải ra đi” và ra lệnh cấm Gaddafi và gia đình của ông ta nhập cảnh vào Nga.
2, Không thông qua: Nghị quyết về tình trạng nội chiến ở Syria 2012. Cuộc nội chiến xảy ra giữa phe nổi dậy và thân chính phủ tiếp nối từ các cuộc biểu tình kéo dài từ 2011 của người dân Syria phản đối chính phủ Bashar al-Assad. Nghị quyết này phản ánh kế hoạch của Liên Đoàn Ả Rập nhằm tạo lập một quá trình chuyển hóa dân chủ cho Syria. Nghị quyết đã đạt được 13/15 phiếu nhưng nó đã bị hủy vì Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết phản đối.
Trở lại với Hong Kong, giới chính khách phương Tây hoặc là phía sinh viên có thể yêu cầu dự thảo nghị quyết đưa Hong Kong vào tình trạng khẩn cấp và đề nghị sự can thiệp trực tiếp của quốc tế. Nhưng chắc chắn Trung Quốc, đạo diễn sau hậu trường, sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn dự thảo. Nga cũng có thể “vào hùa” với Trung Quốc bởi vì lập trường chống phương Tây và vì muốn tranh thủ ủng hộ của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế khác. Như vậy theo Hiến Chương Liên Hợp Quốc, sự can thiệp của HĐBA gần như không có khả năng xảy ra.
Có thể nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng lương tri của nhân loại. Trong khi cơ quan có quy mô toàn cầu với sự tham gia của 192 thành viên được lập ra với mục đích duy trì hòa bình, an ninh Thế giới và là một diễn đàn để các quốc gia hợp tác và phát triển lại trở thành sân chơi riêng của một thiểu số các quốc gia và bỏ rơi một dân tộc thiểu số đang thoi thóp vì đòi hỏi tự do của họ.
Mặt khác, chúng ta cũng còn có hy vọng vào tình thương của con người. Nếu không thể can thiệp trực tiếp với quy mô liên quốc gia thì có thể can thiệp gián tiếp đơn lẻ của các nước yêu tự do, dân chủ. Đó là điều mà Mỹ, Úc, Đài Loan đang làm.
Ở Mỹ, đạo luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong đã được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện ngày thứ ba 20/11, chỉ còn đợi Tổng thống Trump ký quyết định ban hành. Trong bản dự thảo đã đề ra các điều khoản như sẽ đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với các quan chức Trung Quốc và chính quyền đặc khu nếu họ có những hành vi vi phạm nhân quyền ở Hong Kong. Dự luật này sẽ góp phần ngăn chặn các quyết định đơn phương và tàn bạo của các chính quyền này.
Ở Úc, chính phủ Úc vừa tuyên bố chính thức chấm dứt hợp tác về nhân quyền với Trung Quốc. Một là vì sự dính líu của nước này vào tình trạng căng thẳng tại Hong Kong. Hai là vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ba là vì không cấp visa cho 2 chính trị gia Úc. Điều này làm mất thể diện của chính quyền Trung Quốc trước dư luận quốc tế.
Ở Đài Loan, bà Tổng thống Thái Văn Anh đã tuyên bố lập trường ủng hộ người biểu tình Hong Kong và người dân Đài Loan cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình bày tỏ thái độ tương tự như chính phủ của họ.
Đối với người Việt của chúng ta, lên tiếng cho Hong Kong cũng là lên tiếng cho chính mình. Chúng ta có thể đoán biết được số phận bi thảm của Hong Kong sẽ ra sao nếu Trung Quốc thắng thế khi theo dõi tình hình Tân Cương. Một quan chức Trung Quốc gần đây đã tiết lộ cho công luận Thế giới một tài liệu nội bộ hơn 400 trang về quá trình tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các “trại tập trung” trong chiến dịch “chống khủng bố”, “chống ly khai”, “giải độc tư tưởng” của Bắc Kinh áp dụng ở Tân Cương. Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng ở phía bắc-tây bắc. Hong Kong, Đài Loan đang chống chọi ở mặt biển đông nam. Việt Nam ở phía Nam nên nếu bạo quyền thắng thế ở Hong Kong, mục tiêu tiếp theo mà Trung Quốc nhắm đến sẽ là Việt Nam, cửa ngõ bành trướng vào khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù Liên Hợp Quốc không thể can thiệp trực tiếp nhưng Thế giới yêu dân chủ, tự do sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ và lên tiếng giúp đỡ những sinh viên Hong Kong trẻ trên con đường tìm kiếm tự do. Chắc chắn người Hong Kong sẽ không đơn độc.