25/12/2020
(Bài viết do bạn đọc gửi NXBTD tham gia sách “Hong Kong – máu và tình yêu”)
Chắc hẳn đa số chúng ta không quá xa lạ khi nghe đến cụm từ “Đặc khu hành chính Hong Kong” và đều biết rằng Hong Kong từng là thuộc địa của Anh trước khi được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Vậy duyên cớ nào đã biến một mảnh đất ở phương Đông trở thành thuộc địa của một quốc gia phương Tây xa xôi, để rồi lại trở về với “mẫu quốc”, và cuối cùng hình thành nên một mô hình kỳ lạ “một quốc gia – hai chế độ”?
Trên thực tế, quá trình Vương quốc Anh chiếm quyền sở hữu và quản lý Hong Kong thông qua ba hiệp ước liên quan đến việc triều đình nhà Thanh trong thế kỷ 19 đã chấp nhận nhượng đất Hương Cảng vĩnh viễn cho chính quyền Anh và một hiệp ước cho thuê khu Tân Giới trong thời hạn 99 năm.
Về mặt địa lý, Đặc khu hành chính Hong Kong bao gồm: đảo Hong Kong (Hương Cảng), bán đảo Cửu Long, khu Tân Giới và 262 đảo lớn nhỏ xung quanh.
Đảo Hương Cảng là địa điểm khu định cư cũ của Anh. Ở đây có các tòa nhà chọc trời và các trung tâm tài chính của Hong Kong, cùng với các khu mua sắm. Nhìn chung, Hương Cảng hiện đại hơn và giàu có hơn so với các khu vực khác của Hong Kong.
Bán đảo Cửu Long là khu vực đông dân nhất tại Hong Kong, đồng thời là nơi có mật độ dân cư lớn nhất trên thế giới. Nó bao gồm một tập hợp những khu phố buôn bán, chợ vỉa hè và khu chung cư.
Tân Giới là tên mà các quan chức Anh đặt cho khu đất rộng phía bắc bán đảo Cửu Long khi thuê từ chính phủ Trung Quốc vào năm 1898. Tân Giới gồm những trang trại nhỏ, làng, xí nghiệp, vườn quốc gia trên núi và các thị trấn.
Từ một làng chài sống bằng nghề nông, sản xuất muối vầ mò ngọc trai, trải qua 100 năm là thuộc địa của Anh quốc, Hong Kong đã trở thành một quân cảng chiến lược và cuối cùng là một trung tâm tài chính thương mại quốc tế lớn, có GNP đầu người cao thứ 9 thế giới, hỗ trợ cho 33% lượng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc.
Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua các hiệp ước đã được ký kết giữa Vương quốc Anh và chính quyền Trung Quốc.
HIỆP ƯỚC XUYÊN TỴ (1841)
Việc hình thành thuộc địa Hong Kong trực thuộc Anh quốc là kết quả của Cuộc chiến Nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1842) giữa nước Anh và Trung Quốc. Vào mùa thu năm 1841, khi cuộc chiến đã gần đi đến hồi kết thúc và quân đội Anh đang chiếm thế thượng phong, Anh quốc đã buộc triều đình nhà Thanh phải ngồi vào bàn đàm phán.
Phía triều đình nhà Thanh, vì quá lo sợ khi tại thời điểm đó lực lượng hải quân của Anh đang đóng quân cách Bắc Kinh chỉ hơn 100 dặm, nên đã đồng ý ký hiệp ước Xuyên Tị. Theo đó, nhà Thanh, do tướng Y Sơn đại diện, chấp nhận nhượng đảo Hong Kong cho nước Anh, do đô đốc Charles Elliot đại diện, như một “chiến lợi phẩm” và trả 6 triệu đô la Hong Kong tiền bồi thường chiến tranh. Hong Kong đã trở thành nhượng địa của Anh và chính quyền Anh chính thức tiếp quản hòn đảo này vào ngày 26/01/1842.
HIỆP ƯỚC NAM KINH (1842)
Sau khi ký hiệp ước Xuyên Tỵ, mọi chuyện bắt đầu trở nên phức tạp khi cả triều đình nhà Thanh và chính quyền Anh đều phản đối hiệp ước này. Phía Trung Quốc cho rằng tướng Y Sơn đã chấp nhận nhượng quá nhiều trong khi phía chính quyền Anh lại ấm ức vì thấy đô đốc Charles Elliot đã đòi quá ít. Cả hai ông này về sau đều bị thay thế.
Dưới sức ép từ chính quyền Anh, triều đình nhà Thanh không còn lựa chọn nào khác là phải ký kết hiệp ước Nam Kinh vào ngày 29/08/1842, theo đó chấp nhận nhượng vĩnh viễn đảo Hong Kong cho chính quyền Anh. Các điều khoản trong hiệp ước Xuyên Tỵ chính là tiền đề của hiệp ước Nam Kinh được thông qua vào ngày 26/06/1843, đưa Hong Kong chính thức trở thành thuộc địa trực thuộc Anh.
Từ sau khi trở thành thuộc địa của Anh, Hong Kong nhanh chóng phát triển và trở thành một trung tâm thương mại kết nối phương Đông và phương Tây, đồng thời trở thành cửa ngõ và trung tâm phân phối thương mại ở phía nam Trung Hoa.
HIỆP ƯỚC BẮC KINH (1860)
Sau cuộc chiến Nha phiến lần thứ hai, nhà Thanh tiếp tục thất bại dưới tay Vương quốc Anh. Khi ấy, Anh quốc với quyết tâm mở rộng lãnh thổ thuộc địa tại đất nước Đông Á rộng lớn này, đã gây áp lực khiến triều đình nhà Thanh phải ký hiệp ước Bắc Kinh. Hiệp ước này buộc nhà Thanh phải đồng ý nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long cho Anh quốc. Bên cạnh đó, Sắc lệnh Hoàng gia được ban hành vào ngày 04/02/1861 đã công nhận thẩm quyền tài phán của Anh tại vùng lãnh thổ mới này.
HIỆP ƯỚC MỞ RỘNG ĐỊA GIỚI HONG KONG (1898)
Sau gần 40 năm kể từ ngày triều đình nhà Thanh chấp thuận nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long cho Vương quốc Anh, cùng với đảo Hong Kong đã nhượng từ trước, Anh quốc lại tiếp tục muốn mở rộng địa giới Hong Kong để thuận tiện cho việc phát triển khu vực này cũng như để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng.
Sau quá trình đàm phán, nhà Thanh đồng ý cho Anh quốc thuê vùng Tân Giới bao gồm đảo Lan Đầu, khu vực phía bắc bán đảo Cửu Long tiến sát đến phía nam sông Thâm Quyến, và hơn 200 đảo lớn nhỏ xung quanh. Thời hạn cho thuê khu Tân Giới là 99 năm và bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/1898. Hiệp ước này chính là nguồn cơn của mọi rắc rối cho số phận của Hong Kong ngày nay.
TUYÊN BỐ CHUNG ANH – TRUNG QUỐC (1984)
Chiếu theo các hiệp ước đã ký kết giữa Anh và Trung quốc, về mặt lý thuyết thì chỉ có khu Tân Giới là phải được trao trả về cho Trung Quốc sau 99 năm, nghĩa là vào năm 1997. Còn đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long vẫn thuộc về chính quyền Anh.
Tuy nhiên, sau một trăm năm hình thành và phát triển không ngừng, cả ba khu này đã hợp thành một thể thống nhất. Nếu chỉ trả khu Tân Giới cho Trung Quốc sẽ gây ra sự xáo trộn khủng khiếp về mặt kinh tế cho người dân và các nhà đầu tư ở đây, nhất là khi khu vực này là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu cho toàn bộ người dân ở địa giới Hong Kong.
Vào tháng 04/1982, cựu thủ tướng Anh là Edward Heath sang thăm Trung Quốc và bày tỏ nguyện vọng “để chính quyền Anh được quản lý Hong Kong vì lợi ích của chính Trung Quốc và tất cả người dân”. Đặng Tiểu Bình thẳng thắn đáp lại rằng ông chấp nhận “việc thành lập Đặc khu hành chính Hong Kong” với hình thức quản lý theo kiểu “một quốc gia, hai chế độ”, miễn là chủ quyền Hong Kong phải thuộc về Bắc Kinh.
Tháng 09/1982, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là bà Margaret Thatcher có chuyến công du đến Trung Quốc. Tại đây, bà đã gặp Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Triệu Tử Dương. Ông Dương đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm “nếu phải lựa chọn thì Bắc Kinh sẽ luôn đặt vấn đề chủ quyền lên trên sự ổn định và thịnh vượng”. Thậm chí Đặng Tiểu Bình còn đe dọa rằng sẽ cho quân đội Trung Quốc chiếm đóng Hong Kong nếu Anh không trao trả.
Sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng trong giai đoạn từ 1982 đến 1984, cuối cùng vào ngày 19/12/1984, hai nước đã ký Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc tại Bắc Kinh. Nội dung tuyên bố thống nhất lãnh thổ Hong Kong sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ ngày 01/07/1997. Chính quyền Trung Quốc chấp nhận triển khai mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và lập Hong Kong thành Đặc khu hành chính . Cũng từ đây, số phận của người dân Hong Kong hoàn toàn bước sang một trang mới đầy sóng gió.
Nguồn tham khảo:
A Modern History of Hong Kong. New York, NY: I.B. Tauris & Co Ltd.