(Bài dự thi của độc giả Trí Đức với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
Bầu cử chính là phương thức tốt nhất hiện nay của xã hội loài người để giúp một quốc gia chọn ra những nhân tài đại diện cho ý chí của người dân điều hành đất nước, và phục vụ lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử được diễn ra như thế nào, tự do, dân chủ hay chỉ mang tính hình thức thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị đang tồn tại ở quốc gia đó. Minh chứng rõ ràng nhất cho hai sự khác biệt này đó là các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai quốc gia có hai nền thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau, nên việc tổ chức bầu cử, và lựa chọn hiền tài hoàn toàn trái ngược nhau.
Đối với Hoa Kỳ, nếu xét về lịch sử và đặc điểm của Hoa Kỳ thì không phải bỗng dưng Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua. Mặc dù, trước đây, so với nhiều quốc gia khác, Hoa Kỳ không phải là quốc gia có nguồn khoáng sản “giàu có” như các nước khác. Trong cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại?” có viết, vì nguồn khoáng sản quý rất ít nên thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã không “thèm” xâm chiếm Hoa Kỳ làm thuộc địa. Sau đó, chỉ vì đi sau hai thực dân trên nên Anh Quốc ít có lựa chọn về thuộc địa nên đành xâm chiếm Hoa Kỳ để tận dụng nguồn lực lao động và nông nghiệp. Như vậy, Hoa Kỳ cũng từng là thuộc địa của thực dân xâm lược, cũng bị nô lệ, và sau đó là nội chiến; ngoài ra, đây còn là đất nước không “may mắn” như Việt Nam được trời ban tặng “rừng vàng, biển bạc”, “tài nguyên thiên nhiên phong phú”.
Tới đây tôi muốn nhắc nhở rằng, những người đang tuyên truyền, biện minh cho sự tụt hậu và chậm phát triển ở Việt Nam là do chiến tranh kéo dài, do tàn dư của chiến tranh… là hoàn toàn sai lầm có chủ đích. Không chỉ có ví dụ là Hoa Kỳ xa xôi, mà gần nhất là Nhật Bản, nhất là hậu quả khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử đã tàn phá nước Nhật nhưng Nhật Bản sau đó vươn lên đứng hàng thứ 2 thế giới về kinh tế.
Quay lại Hoa Kỳ, vì sao Hoa Kỳ lại vươn lên đứng đầu thế giới về kinh tế cũng như quân sự? Mỗi một cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ đều khiến cho các nước trên thế giới hồi hộp, dõi theo? Mỗi một quyết định chiến lược của Hoa Kỳ ít nhiều đều có ảnh hưởng đến nhiều nước khác? Nếu đọc về lịch sử của nước này, chúng ta sẽ thấy rằng, những nhà lập pháp Hoa Kỳ đã vĩ đại như thế nào khi họ cố gắng chọn cho đất nước một thể chế chính trị phát huy tối đa quyền tự do, dân chủ trong bầu cử để chọn ra được những “hiền tài”, mà hiền tài chính là nguyên khí của quốc gia. Mặc dù, thể chế, và cách bầu cử ở Hoa Kỳ đến nay vẫn nhận được những lời phê phán, vẫn còn những khuyết điểm, tuy nhiên so với các cuộc bầu cử, và thể chế chính trị hiện tại trên thế giới thì nó vẫn có những ưu việt mà nhiều quốc gia chưa làm được, trong đó có Việt Nam. Và tôi chỉ đề cập sơ qua về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ trong giới hạn của bài viết ngắn này với mục đích là so sánh Việt Nam của chúng ta.
Thứ nhất, bầu cử ở Hoa Kỳ được xem là quyền của mỗi công dân chứ không phải là nhiệm vụ. Vì vậy, số lượng cử tri đi bầu cử ở Hoa Kỳ trong mỗi kỳ bầu cử luôn chênh lệch nhau, nhiều hay ít tuỳ thuộc vào tài năng vận động, chính sách thu hút của các ứng cử viên.
Thứ 2, Quốc hội Hoa Kỳ chia làm lưỡng viện là Hạ viện và thượng viện, các nghị sĩ của các đảng đều có mặt ở hai viện này. Các nghị sĩ ở Hạ viện đều do người dân của mỗi bang trực tiếp bầu lên với nhiệm kỳ 2 năm (số lượng nghị sĩ mỗi bang khác nhau nhiều hay ít tuỳ thuộc vào số lượng dân cư), các nghị sĩ đều sinh sống, làm việc tại bang mà mình ứng cử và họ đại diện cho ý chí, yêu cầu của người dân đối với chính quyền. Các nghị sĩ không được tham gia vào bất kỳ một tổ chức, cơ quan công quyền nào khác, họ hoàn toàn độc lập với các cơ quan nhà nước. Còn Thượng viện là do Hạ viện bầu ra. Và để cân bằng quyền lực giữa các bang thì số lượng nghị sĩ ở Thượng viện lại được chia đều cho mỗi bang 2 người, những thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm.
Thứ 3, bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ không phải do lưỡng viện quyết định, cũng không phải do chính quyền liên bang mà là do cử tri và cử tri đoàn quyết định. Bất kỳ công dân hợp pháp nào của Hoa Kỳ cũng đều có thể thành lập uỷ ban bầu cử để vận động sự ủng hộ cho mình. Nếu ứng cử viên có đủ tài năng họ có thể vận động được tài chính, số lượng chữ ký ủng hộ nhất định để ra tranh cử ứng viên Tổng thống. Như vậy, một ứng cử viên tự do có thể trở thành ứng cử viên Tổng thống hay không đều phụ thuộc vào sự ủng hộ trực tiếp của cử tri chứ không cần thông qua bất kỳ cơ quan công quyền nào, nếu ứng cử viên không nhận được sự quan tâm đủ lớn của cử tri thì họ tự rút lui.
Còn những công dân trở thành ứng cử viên Tổng thống phải mất khoảng 8 tháng để đến từng bang vận động lá phiếu cho mình bằng cách đưa ra những lời hứa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri, và các ứng cử viên Tổng thống thường là hai ứng cử viên đại diện cho 2 đảng lớn Cộng hoà và Dân chủ phải thể hiện tài năng của mình thông qua những cuộc tranh luận trên truyền thông. Đây cũng là dịp để ứng cử viên bày tỏ quan điểm của mình với cử tri, gia tăng sự hiểu biết của cử tri đối với các ứng cử viên, và để giữ các cử tri không bầu cho ứng cử viên của đảng khác.
Và cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ kịch tính đến giây phút chót khi nó không chỉ phụ thuộc vào số phiếu cử tri phổ thông, mà còn phụ thuộc vào số phiếu của cử tri đoàn. Số lượng cử tri đoàn ở Hoa Kỳ là 538 cử tri, bằng số lượng nghị sĩ của hai viện cộng lại. Cử tri đoàn được thành lập vào mỗi kỳ bầu cử Tổng thống và giải tán sau khi khi bầu cử xong. Đây là những cử tri thường đại diện cho sự ủng hộ của các cử tri phổ thông từng bang, họ không phải là công chức đang làm việc tại bộ máy chính quyền. Lịch sử bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cho thấy, ứng cử viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhưng vẫn không thể trở thành Tổng thống vì số phiếu cử tri đoàn ít hơn đối phương, hoặc là ngược lại.
Quay lại vấn đề chính đó là Việt Nam và cuộc bầu cử ở Việt Nam. Như trên đã nói, thể chế chính trị là điều rất quan trọng, và quyết định các cuộc bầu cử diễn ra như thế nào trên quốc gia đó. Thể chế chính trị đang tồn tại ở Việt Nam là thể chế độc đảng, Hiến pháp của Việt Nam quy định Đảng Cộng sản là giai cấp tiên phong của mọi giai cấp và có quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Vì vậy, tất cả những người trong bộ máy cầm quyền từ nhỏ nhất là cấp thôn, làng đến cấp trung ương đều là đảng viên, là người của đảng, tuyệt đối không có bất kỳ một người dân thường nào lọt vào vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước dù là nhỏ nhất.
Bầu cử ở Việt Nam gồm có hai cuộc bầu cử, đó là bầu cử Quốc hội ở cấp trung ương và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Tôi xin chỉ đề cập đến cuộc bầu cử Quốc hội vì Hội đồng nhân dân là cơ quan “mờ nhạt” rất nhiều so với Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992, nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là 5 năm. Vì vậy, cứ mỗi 5 năm thì ở Việt Nam lại diễn ra bầu cử. Điều 6 Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trừ một số trường hợp như người đang bị phạt tù, tạm giam, mất năng lực hành vi dân sự).
Như vậy, về mặt lý thuyết thì các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều là của nhân dân, và nhân dân có “phần” trong các “ghế” của hai cơ quan này. Nhưng trên thực tế, vì đảng Cộng sản có vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, nên không chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước, mà ngay cả toàn bộ người dân Việt Nam đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cho nên mới sinh ra chuyện “đảng cử, dân bầu”, mà người dân chưa dám đi ngược lại với sự lãnh đạo của đảng.
Vì là “đảng cử, dân bầu” nên hầu hết các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là do đảng cử ra, họ đều là đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức vụ lớn trong bộ máy cầm quyền, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Thí dụ như ở Quốc hội khoá 15, theo Nghị quyết 115 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tổng số đại biểu dự kiến là 500 người, trong đó có 207 người là đại biểu sẽ là người đang làm việc ở bộ máy nhà nước cấp trung ương, 293 đại biểu còn lại là ở cấp địa phương. Cũng trong 500 người này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cựu Chủ tịch Quốc hội khoá 14 đã tuyên bố, sẽ để cho 25 đến 50 người là người ngoài đảng, như vậy số còn lại ít nhất là 450 người đều là đảng viên. Trong số 450 người, thì có 10 ghế giành cho những người đang làm việc tại các cơ quan đảng cấp trung ương; cơ quan Chủ tịch nước có 3 ghế; khối Chính phủ được sắp xếp 15 ghế; khối lực lượng vũ trang có 13 ghế; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn Phòng Quốc hội có 133 ghế; các cơ quan như Toà án, Viện kiểm sát, và Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan được bố trí 1 người; uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên có 29 ghế. Còn đối với 293 còn lại sẽ được phân bổ cho các quan chức đang làm việc tại bộ máy công quyền ở các tỉnh, thành trên cả nước, và tất cả các đại biểu không chỉ là đảng viên mà còn là lãnh đạo cao nhất của mỗi cơ quan.
Như vậy, mỗi đại biểu là ứng cử viên Quốc hội đều là những người đại diện cho cơ quan quyền lực mà mình đang làm chủ hay còn gọi là lãnh đạo, hoàn toàn không phải là người đại diện cho người dân. Điều này đã biến người dân Việt Nam thành tầng lớp thấp cổ bé họng, không có tiếng nói lẫn quyền lực chính trị trong xã hội.
Ngoài ra, lịch sử của các cuộc bầu cử đại biểu quốc hội của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy, tất cả những người đứng đầu các cơ quan từ đảng đến bộ máy hành chính đều trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội và nghiễm nhiên trở thành đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, trên danh nghĩa ứng cử viên là đại biểu của dân địa phương nhưng họ có thể là người sinh ra ở địa phương khác, hoàn toàn không sinh sống và làm việc tại nơi mà họ đại diện cho người dân đang ứng cử.
Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phúc là người sinh ra tại Quảng Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội suốt hàng chục năm qua, nhưng ông Phúc là ứng cử viên thuộc tổ bầu cử ở huyện Hooc Môn và Củ Chi, Sài Gòn, và người dân nơi đây phải bầu cho một người xa lạ như ông Phúc. Chưa kể, việc ông Phúc là Chủ tịch nước, thì khoảng cách giữa dân thường với ông Phúc là rất xa để người dân có thể tiếp cận ông Phúc gửi gắm ý kiến, đề nghị của mình. Ngoài ra, với chức vụ Chủ tịch nước, liệu rằng ông Phúc có thời gian để lắng nghe tiếng nói của người dân Củ Chi, Hooc Môn, và có thể “đi sâu, đi sát vào quần chúng” thường xuyên hay không? Và mỗi lần người dân muốn gặp ông để gửi ý kiến thì ông hay người dân phải vượt quãng đường gần 2.000km? Hoặc với vai trò là Chủ tịch nước, liệu rằng ông Phúc có thời gian hay đủ kiên nhẫn để nghe các cuộc điện thoại, hoặc đọc Gmail của các cử tri đã bầu cho ông thường xuyên hay không? Như vậy, trong 5 năm tới, ông Phúc sẽ đóng vai Chủ tịch nước để chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước quốc hội, chịu sự chất vấn của đại biểu quốc hội? hay ông Phúc sẽ đóng vai là đại biểu quốc hội để chất vấn Chủ tịch nước, lắng nghe báo cáo của Chủ tịch nước? Hay ông Phúc sẽ vừa tự báo cáo cho mình vừa tự chất vấn mình vì một lúc đảm nhiệm hai vị trí trên?
Ngoài ông Phúc, còn có ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư, ông Phạm Minh Chính là Thủ tướng Chính phủ đều là ứng cử viên đại biểu Quốc hội tương tự như ông Phúc. Như vậy, cả 3 người này đều đang nắm giữ những chiếc ghế quyền lực nhất trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, nhưng cũng đã và sẽ là những người nằm trong bộ máy Quốc hội thì nghiễm nhiên Quốc hội cũng sẽ nằm trong tay họ. Vì vậy, Quốc hội dường như là tổ chức đóng vai trò hợp thức hoá “vở kịch” bầu cử hơn là cơ quan lập pháp, đại diện cho ý chí của người dân.
Còn đối với những người dân mà Quốc hội tuyên bố sẽ “chừa” cho 25-50 ghế đại biểu, thì họ cũng thuộc dạng “không ai biết” vì họ không có cơ hội, không được cơ hội đi vận động lá phiếu của mình trong dân chúng. Mà để trở thành ứng cử viên đại biểu thì họ phải làm hồ sơ ứng cử để nộp cho Mặt trận tổ quốc địa phương, họ bị xét duyệt về lý lịch, về tôn giáo, nếu hồ sơ được chấp nhận, thì họ phải qua 3 vòng xét duyệt được gọi là hiệp thương. Các vòng xét duyệt này đều do người của các cơ quan nhà nước làm chủ xét duyệt như: Mặt trận tổ quốc, thường trực Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Về sự tham gia của các cơ quan hữu quan, luật pháp quy định quá trình bầu cử phải có sự tham gia của Mặt trận tổ quốc các cấp và Hội đồng nhân dân các cấp. Mặt trận tổ quốc có vai trò rất lớn trong việc bầu cử, tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tham gia giám sát việc bầu cử. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân và Mặt trận tổ quốc còn cùng nhau quyết định thành lập Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử. Với vai trò này của Mặt trận tổ quốc thì tính khách quan trong của cuộc bầu cử đã không còn.
Vì vậy, ngay cả những người được cho là ứng cử viên độc lập này về mặt hình thức là họ tự ứng cử, nhưng trên thực tế thì họ lại là những người do đảng quyết định chứ không phải do người dân quyết định bằng lá phiếu.
Nói tóm lại, tất cả các khâu của bầu cử đều do các cơ quan nhà nước quyết định, và là người của cơ quan nhà nước, người dân không có bất kỳ quyền nào để tham gia hay giám sát.
Chính vì vai trò mờ nhạt, mang tính hình thức của Quốc hội nên vừa qua “cuộc bầu cử” chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra một cách lố bịch, không theo quy trình, và luật. Theo Nghị quyết 133/2020/QH14 của Quốc hội thì ngày 23/5/2021 mới diễn ra bầu cử Quốc hội khoá 15, và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Và theo luật thì sau khi bầu cử Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội mới bầu chọn ra Chủ tịch Quốc hội. Khi Quốc hội khoá 15 được kiện toàn thì Quốc hội mới thực hiện bầu cử hai chức danh Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, cả 3 chức danh này ở nhiệm kỳ 2021-2026 đều đã có từ cuối tháng 3 đầu tháng tư vừa qua, tức là có trước khi chưa có cuộc bầu cử Quốc hội. Như vậy, ai là người bầu ra 3 chức danh trên? Khi về luật thì Quốc hội khoá 14 không còn quyền bầu ra họ.
Điều này cho thấy, không chỉ có các đại biểu quốc hội, mà tất cả các chức danh lãnh đạo trong bộ tứ quyền lực ở Việt Nam đều không phải do người dân bầu, cũng như đại biểu Quốc hội bầu. Và bằng cách nào để họ có được chiếc ghế quyền lực thì nó vẫn là câu trả lời còn bõ ngỏ đối với người dân Việt Nam!
Như vậy, muốn có một phương thức bầu cử mới cho Việt Nam trong tương lai để đất nước có một nền dân chủ bền vững thì trước tiên phải thay đổi thể chế chính trị. Vì thể chế chính trị quyết định phương thức bầu cử. Và để thay đổi được thể chế chính trị thì đó là một con đường dài, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều người dân.
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #BaucuQuochoi2021 #VietnamElection2021 #Ngàyhộitoàndân #Sángsuốtlựachọn