(Bài dự thi của độc giả An Nhiên với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
Bầu cử là một thiết chế quan trọng để người dân thể hiện quyền chính trị của mình. Thông qua bầu cử, công dân lựa chọn ứng viên cho các vị trí trong chính quyền, và uỷ quyền cho những người được chọn đó hành động đại diện cho cộng đồng của mình trong suốt nhiệm kỳ.
Ở tầm quốc gia, bầu cử có hai mục đích. Thứ nhất là để chọn ra người đứng đầu chính phủ hay cơ quan hành pháp cao nhất, thông qua đó, người dân ủng hộ cho chính sách chung mà chính phủ đó sẽ theo đuổi. Thứ hai là chọn ra thành viên của hội đồng đại diện, cơ quan lập pháp hay là quốc hội – những người sẽ quyết định về luật pháp và thuế má, và thay mặt người dân để giám sát hoạt động của chính phủ.
1. Bầu cử và nguyên tắc toàn dân kiểm soát
Bầu cử là một biện pháp để thực hiện nguyên tắc toàn dân kiểm soát trong nển dân chủ đại diện, bởi vì:
1. Bầu cử chứng tỏ rằng quyền lực bắt nguồn từ người dân và được duy trì nhờ sự tin tưởng của người dân; 2. Các chính trị gia phải chịu trách nhiệm giải trình trước người dân và phải chịu trách nhiệm về những hành động chính trị của mình; 3. Nguy cơ bị bãi nhiễm chức vụ là điều bảo đảm rằng các chính trị gia phải thỏa mãn niềm tin của người dân và thực hiện những thay đổi về nhân sự cũng như đường lối chính sách khi hoàn cảnh khách quan đòi hỏi phải thay đổi.
2. Nguyên tắc bỏ phiếu kín
Việc bỏ phiếu công khai khiến cho cử tri dễ bị tổn thương trước các sức ép không đúng từ giới có quyền lực. Những kẻ có quyền lực và có tiền có thể sử dụng quyền lực và đồng tiền của mình để thao túng bầu cử, họ có thể là các quan chức, các chủ lao động, chủ đất, tăng lữ...
Bỏ phiếu kín có thể tạo ra cơ chế để bảo đảm không ai khác có thể biết cử tri đã bầu cho ứng viên nào. Do đó, nguyên tắc bỏ phiếu kín hiện nay đã được xác định là đặc điểm trọng tâm của bất kỳ nền dân chủ nào.
3. Quyền bỏ phiếu
Ở phần lớn các nền dân chủ, những đối tượng bị loại trừ thường xuyên là trẻ em, tội phạm đã bị kết án, và người nước ngoài ngụ cư.
Dưới một độ tuổi nhất định, hầu hết trẻ em không có đủ kinh nghiệm hay cảm nhận về hậu quả lâu dài của sự lựa chọn của chúng. Ở hầu hết các xã hội, có một “bộ” những quyền mà trẻ em có được cùng một lúc và đó là lúc xác định các em trưởng thành: quyền kết hôn, quyền sở hữu tài sản, quyền tố tụng trên tư cách của chính mình, và quyền bỏ phiếu. Những quyền này thường đến cùng nhau vào khoảng độ tuổi 18, là tuổi muộn nhất để rời trường tiểu học và bắt đầu có nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, ấn định bất kỳ một độ tuổi nào cũng ít nhiều có tính tuỳ tiện. Có bằng chứng cho thấy trẻ em ngày nay trưởng thành sớm hơn trong quá khứ. Trong bất kỳ trường hợp nào, trưởng thành là một tiến trình liên tục, và việc chuẩn bị cho tư cách công dân dân chủ phải bao gồm cả sự tham gia vào tiến trình ra quyết định tập thể ở gia đình và trường học từ lứa tuổi nhỏ nhất có thể.
4. Thủ tục đăng ký làm cử tri
Thủ tục đăng ký cử tri có một ý nghĩa rất quan trọng đối với quyền bỏ phiếu. Mục đích của việc đăng ký làm cử tri trước khi bầu cử diễn ra rất đơn giản: Cử tri phải được xác định trên tư cách cá nhân và hành động bỏ phiếu của họ cần được lưu lại để không ai bỏ phiếu hai lần, không ai giả làm cử tri khác, hay là bỏ phiếu khi không có quyền bỏ phiếu.
Thủ tục phù hợp với thực tiễn thực hành dân chủ ở những nơi tốt nhất là: Việc đăng ký mang tính bắt buộc, việc làm hồ sơ người đăng ký phải được thực hiện bởi những công chức được trả lương và được đào tạo vì mục đích này, gần với thời điểm bầu cử nhất có thể, và phải được duy trì tách biệt, độc lập cả về vật chất lẫn tổ chức khỏi các hồ sơ nhà nước khác (ví dụ: hồ sơ thuế, hồ sơ hôn nhân…).
5. Sự quan trọng của số lượng người tham gia bỏ phiếu
Trên thế giới, đa số các quốc gia không coi việc đi bầu là một quy định bắt buộc, và hiện nay đang có tình trạng suy giảm số lượng cử tri đi bỏ phiếu. Ở những nơi mà kết quả bầu cử có vẻ là đã được định trước, hoặc kết quả không còn gì nhiều để mong đợi, tỷ lệ người đi bầu sụt giảm rất mạnh. Đây là một chỉ dấu đáng lo ngại, cho thấy rằng mọi thứ trong tiến trình dân chủ có lẽ không ổn. Theo các cuộc khảo sát thăm dò dư luận, nhiều cử tri thể hiện thái độ rất bất mãn với các chính trị gia, coi họ như một đám chỉ vì quyền lợi bản thân và không hề có liên hệ gì đến nguyện vọng của dân; hoặc đánh giá sự khác biệt về đường hướng giữa các đảng phái đã trở nên ngày càng mờ nhạt.
Một trong những cách để tăng lượng cử tri đi bầu là làm sao để người ta thật sự dễ bỏ phiếu. Gần đây, trong các nền dân chủ lâu đời, người ta đã tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau để tạo điều kiện cho cử tri bỏ phiếu từ nhà, ví dụ như bỏ phiếu và gửi qua bưu điện. Nhiều nước còn đang xem xét việc bỏ phiếu điện tử từ nhà hoặc từ nơi làm việc.
Tuy nhiên, vấn đề đối với bỏ phiếu ở nhà là nó làm tăng đáng kể rủi ro gian lận, giả mạo; cũng như có thể khiến cho cử tri phải chịu những sức ép không đúng từ trong gia đình. Trong bất kỳ trường hợp nào, các biện pháp thuần tuý kỹ thuật đều không giải quyết được những vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như việc cử tri bị cô lập.
Tại một số nước như Australia, việc đi bầu là một việc bắt buộc đối với công dân. Cơ sở của việc cưỡng bức đi bầu là: Để có được quyền bầu cử, các thế hệ trước đã phải đấu tranh và hy sinh rất nhiều. Vì vậy, việc tham gia bầu cử, đóng góp một phần để tạo ra chính quyền và chọn người đại diện, không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm công dân. Hành động vắng mặt phải được ghi nhận vào hồ sơ bầu cử của công dân. Tuy nhiên, lập luận này cũng gặp một số phản bác, theo đó, có gì đó mâu thuẫn nếu chúng ta biến một cuộc “bầu cử tự do” thành bắt buộc; cũng như số lượng cử tri vắng mặt tạo nên một tín hiệu quan trọng hay là dấu hiệu cảnh báo sớm về những bất cập trong tiến trình dân chủ, không thể che giấu được.
6. Điều kiện tranh cử vào các chức vụ lãnh đạo
Trên nguyên tắc, bất kỳ ai có quyền bỏ phiếu thì đều có thể tranh cử. Tuy nhiên, đa số các nước đòi hỏi độ tuổi đối với ứng viên cao hơn đối với cử tri. Việc chọn ra người đại diện không phải vì những chuyên môn đặc biệt của họ, mà vì cử tri tin tưởng họ sẽ hành xử đúng lương tâm trong việc bảo vệ lợi ích của đơn vị bầu cử, giám sát hoạt động và các đề xuất của chính phủ, cũng như xúc tiến chương trình hành động mà nhờ nó họ đã được bầu chọn. Điều kiện cần thiết để có sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong bầu cử là: Công việc mà họ làm không phải là công việc được bảo đảm trọn đời.
Mặc dù nhiều người có thể làm công việc của người đại diện, nhưng rất ít người thực sự trở thành đại diện. Trong phần lớn trường hợp, một cá nhân cần trở thành thành viên của một đảng chính trị và phải làm việc cho đảng một thời gian. Họ thường tích lũy kinh nghiệm từ những chức vụ dân cử ở cấp địa phương. Khi muốn tranh cử, họ cần thuyết phục hội đồng lựa chọn hoặc ban chấp hành đảng về sự xứng đáng của họ so với những người khác. Và có lẽ họ phải chịu thất bại một vài lần trước khi có thể giành thắng lợi. Do vậy, cần rất nhiều quyết tâm cũng như may mắn khi muốn trở thành một người đại diện. Chỉ những người có quan tâm rất mạnh mẽ đến chính trị, và sẵn sàng làm công việc với nhiều giờ giấc bất tiện, mới đi đến cùng được.
Hầu hết các hệ thống bầu cử đều chọn ứng viên bằng cách yêu cầu bắt buộc phải có một số lượng tối thiểu chữ ký ủng hộ từ các cử tri có đăng ký ở đơn vị bầu cử tương ứng; thậm chí, có nơi còn yêu cầu phải đặt cọc, và số tiền đặt cọc sẽ bị mất nếu ứng viên đó không đạt được số lượng phiếu tối thiểu.
Bầu cử sơ bộ
Ở Mỹ, ứng viên trong mỗi đảng được chọn ra bằng một cuộc bầu cử sơ bộ. Cử tri tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ chỉ giới hạn từng đảng, nghĩa là, cử tri đã đăng ký của đảng nào thì bỏ phiếu trong nội bộ đảng đó. Mặc dù cách này tạo điều kiện cho cử tri có tiếng nói trong việc quyết định ai tranh cử cũng như ai trúng cử, nhưng nó làm gia tăng chi phí bầu cử một cách khủng khiếp, do đó cũng gây ra tình trạng thiên vị đối với những cá nhân giàu có hoặc được người giàu chống lưng. Vì nhược điểm đó, thường người ta chọn ứng viên bằng cách để toàn bộ đảng viên bỏ phiếu ở khu vực hay đơn vị bầu cử tương ứng.
7. Ý nghĩa “đại diện” của đại biểu quốc hội
Có hai nguyên tắc dân chủ
Nguyên tắc quyền tối cao thuộc về toàn dân, nghĩa là, mọi quyền lực chính trị đều bắt nguồn từ nhân dân, chính phủ và quốc hội phải chịu sự kiểm soát của toàn dân. Nguyên tắc này được tóm tắt lại trong quan niệm người đại diện được coi là đại lý của cử tri: Được uỷ quyền bởi cử tri, hành động vì cử tri, chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri, và có thể bị cử tri bãi miễn.
Nguyên tắc thứ hai được hiểu theo nghĩa là đại diện thu nhỏ, đó là sự vận dụng nguyên tắc bình đẳng chính trị: Mỗi lá phiếu đều có cùng giá trị, bất kể người bỏ phiếu sinh sống ở đâu hay bầu cho đảng nào. Chừng nào nguyên tắc này được thoả mãn, chừng đó, cơ quan lập pháp được coi là có tính đại diện thu nhỏ cho toàn bộ cử tri, và phản ánh cả sự phân bổ về địa lý lẫn phân bổ về phiếu bầu giữa các đảng khác nhau.
8. Bảo đảm tính công bằng của tiến trình bầu cử
Có ba nguồn rủi ro đe doạ tính công bằng của tiến trình bầu cử: 1. Lợi thế của đảng hoặc liên minh các đảng cầm quyền; 2. Hành vi xấu trong bầu cử; 3. Ảnh hưởng của đồng tiền.
Đối với rủi ro thứ nhất, lợi thế của đảng hoặc liên minh các đảng cầm quyền, loại rủi ro này chỉ có thể hạn chế chứ không bao giờ có thể xóa bỏ hoàn toàn. Điều quan trọng nhất là toàn bộ tiến trình bầu cử, từ việc vạch biên giới đơn vị bầu cử, thủ tục đăng ký làm cử tri và quy định về cách hành xử trong chiến dịch vận động, đến tiến trình bỏ phiếu và thủ tục đếm phiếu… đều phải được giám sát bởi một uỷ ban bầu cử độc lập. Thành viên của ủy ban bầu cử này phải được sự phê chuẩn của tất cả các đảng chính trị. Uỷ ban này có nhiệm vụ điều tiết việc các đảng tiếp cận với giới truyền thông trong suốt chiến dịch vận động. Tổ chức của các đảng phải tách rời về mặt pháp lý với việc tổ chức chính quyền. Các bộ trưởng, các quan chức chính quyền bắt buộc phải giao lại hết các nhiệm vụ chính thức trong đảng, và không được hưởng bất kỳ đặc quyền đặc lợi nào trong thời gian diễn ra chiến dịch vận động tranh cử.
Đối với rủi ro thứ hai, hành vi xấu trong bầu cử, đây là mối đe dọa đối với tính công bằng của tiến trình bầu cử, bắt nguồn từ các kiểu hành vi xấu của ứng viên, đảng viên và người ủng hộ. Ví dụ như: hối lộ cử tri; ngăn cản người dân đăng ký bỏ phiếu; đe doạ cử tri; đóng giả làm cử tri; phá rối, không cho ứng viên đối lập vận động; thu thùng phiếu; nhét thật nhiều phiếu bầu của mình vào thùng phiếu; kiểm phiếu gian lận... Chỉ có thể tránh khỏi những chuyện này nếu cảnh sát và nhân viên tổ chức bầu cử được giao nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn thể chất của ứng viên và cử tri, cũng như bảo vệ tính liêm chính của tiến trình bầu cử. Sự lựa chọn và tập huấn cho những nhân viên tổ chức bầu cử phải là trách nhiệm của uỷ ban bầu cử quốc gia. Sự có mặt của các nhà quan sát quốc tế có kinh nghiệm cũng là một sự hỗ trợ đặc biệt. Họ vừa đóng vai trò người ngoài để bảo đảm bầu cử công bằng, vừa là người phổ biến cách bầu cử tốt nhất. Các tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử “tự do và công bằng”, cũng như về hoạt động giám sát bầu cử, giờ đây đã được luật hoá và được chấp nhận rộng rãi.
Rủi ro thứ ba, ảnh hưởng của đồng tiền, là mối đe doạ lớn đối với tính công bằng của tiến trình bầu cử, xuất phát từ lợi thế khi ứng viên hoặc đảng phái sở hữu tài sản lớn hoặc có người giàu hậu thuẫn. Cách đơn giản nhất để làm giảm tác động của chuyện này là đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt cho số tiền mà ứng viên và các đảng phái có thể chi tiêu, cả ở tầm địa phương lẫn quốc gia; đồng thời tạo điều kiện để tất cả ứng viên cũng như đảng phái đều có thể tiếp cận truyền thông công ích, theo những quy định mà uỷ ban bầu cử đề ra.
Ngoài ra, việc thăm dò dư luận tuy ít đe doạ đến tính công bằng của bầu cử, song cũng có một số ảnh hưởng nhất định. Một số quốc gia đã ra luật cấm công bố kết quả thăm dò dư luận vào tuần cuối cùng của kỳ bầu cử hay trong toàn bộ thời gian diễn ra bầu cử. Giả định ở đây là kết quả thăm dò có thể tác động đến tâm lý cử tri, do đó cũng có tác động đến kết quả bầu cử. Việc thăm dò dư luận còn khuyến khích người dân tập trung một cách không đúng vào kết quả được dự đoán mà bỏ đi những vấn đề sẽ quyết định kết quả bầu cử.
9. Quốc hội nên có một viện hay hai viện
Chức năng của quốc hội hay cơ quan lập pháp là thanh tra, kiểm tra và phê chuẩn luật pháp, thuế má và chi tiêu công; giám sát chính phủ; phê chuẩn các công ước và giám sát tiến triển xử lý khiếu nại cũng như bồi thường cho người dân trong trường hợp có sai phạm về quản lý. Việc có hai viện nhằm bảo đảm sự xem xét đầy đủ nhất và rộng rãi nhất quá trình thực thi các chức năng của quốc hội.
Hai viện khác nhau sẽ có hai cách thức bầu cử khác nhau. Thông thường, thượng viện thường được bầu gián tiếp, hoặc theo các đơn vị bầu cử khác nhau, hoặc trong những khoảng thời gian khác nhau, sao cho chỉ một tỷ lệ nhất định thành viên thượng viện có thể tranh cử vào cùng một thời điểm nào đó.
Trong chế độ đại nghị, hạ viện thường có quyền lực ưu tiên hơn thượng viện. Do hạ viện được cả nước bầu cử đồng thời và trực tiếp, nên hạ viện trở thành nguồn chủ đạo tạo tính chính danh cho chính quyền. Thượng viện nhiều nhất thì cũng chỉ có một quyền có giới hạn, đó là quyền trì hoãn hoặc phủ quyết luật. Ưu tiên này dành cho hạ viện đặc biệt rõ nét ở các nước mà thượng nghị sĩ được chỉ định chứ không qua bầu cử cạnh tranh.
Hiện nay, chu kỳ bầu cử bốn năm một lần được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là sự dung hoà hợp lý giữa một bên là nhu cầu vận hành liên tục của chính quyền và một bên là yêu cầu phải phản hồi, phải có trách nhiệm giải trình đối với người dân. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy nhiều biến thể xoay quanh chuẩn bốn năm này, ví dụ như ở Hoa Kỳ, Hạ viện được bầu hai năm một lần, còn Thượng viện làm việc theo nhiệm kỳ sáu năm.
Cho dù thời gian chính xác của mỗi nhiệm kỳ là bao nhiêu đi nữa, thì điều quan trọng là thời điểm của bầu cử không phải do chính quyền đang tại vị quyết định, nhằm tránh tạo ra lợi thế bất công cho đảng hoặc các đảng đang nắm quyền. Thời hạn của các nhiệm kỳ phải được quy định rõ rang trong hiến pháp quốc gia.
10. Vị trí nguyên thủ quốc gia không bắt buộc phải bầu phổ thông
Vị trí nguyên thủ quốc gia, về bản chất, là một vị trí mang tính nghi thức và biểu tượng. Nguyên thủ quốc gia đại diện cho sự thống nhất của cả đất nước, đứng ngoài sự cạnh tranh của các đảng phái; và thể hiện sự thống nhất của một quốc gia cho dù quốc gia đó thường xuyên có sự thay đổi về chính quyền. Các thể chế chính trị khác nhau có phương thức lựa chọn vị trí nguyên thủ quốc gia rất khác nhau.
Chức năng biểu tượng có thể có tầm quan trọng đặc biệt vào những thời khắc khủng hoảng quốc gia hoặc có xung đột về hiến pháp, khi ấy nguyên thủ quốc gia có thể thực thi quyền lực tương đối theo chủ quan.
Các chế độ khác nhau
Trong chế độ tổng thống, vị tổng thống được bầu sẽ kết hợp cả chức năng nghi thức của Nguyên thủ quốc gia lẫn chức năng hành pháp của người đứng đầu chính phủ (ví dụ: Nga, Mỹ, và phần lớn các nước châu Mỹ Latin).
Trong chế độ đại nghị, Nguyên thủ quốc gia là một cương vị tách biệt hoàn toàn khỏi chức vụ đứng đầu chính phủ (thủ tướng). Nguyên thủ quốc gia có thể có hình thức là một tổng thống không thuộc nhánh hành pháp, do quốc hội hoặc một hội đồng chọn ra (Đức, Ireland, Ấn Độ, v.v.). Hoặc, Nguyên thủ quốc gia có thể có hình thức quân chủ lập hiến, với ngôi vị được truyền đời theo dòng họ và sẽ cầm quyền trọn đời (Anh, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, v.v.).
Không có câu trả lời đơn giản nào cho câu hỏi chế độ nào là tốt nhất, bởi vì mỗi chế độ đều cần phải được đánh giá trong tương quan với cả một hệ thống hiến pháp.
11. Bầu cử và cơ quan tư pháp
Tư pháp có chức năng pháp lý hơn là chức năng chính trị. Phẩm chất bắt buộc của tư pháp là tính thống nhất và chí công vô tư, chứ không phải tính chất phổ biến, toàn dân. Ngành tư pháp cần được miễn trừ khỏi sự bất thuận phổ biến hay khỏi nguy cơ quá gần gũi với một thành phần nào đó trong cộng đồng. Vì vậy, hình thức tuyển dụng tư pháp là vấn đề thuộc về dân chủ chính danh, nghĩa là sự bổ nhiệm từ những đại biểu dân cử. Và để tránh bất công, nhiệm kỳ của ngành tư pháp thông thường phải dài hơn nhiệm kỳ của các cơ quan dân cử.
12. Các đại diện dân cử có được phép thay đổi đảng giữa các kỳ bầu cử
Đây là một vấn đề gây tranh cãi.
Khi một ứng viên tham gia tranh cử dưới danh nghĩa một đảng nào đó, ứng viên đó đã lựa chọn khuynh hướng chính trị của mình và tự ràng buộc họ với việc được đảng đó ủng hộ. Bên cạnh đó, việc đổi đảng có thể mang tính ích kỷ, ví dụ trong việc theo đuổi các chức vụ công quyền. Nó gây ra cho cơ quan lập pháp sự bất ổn đáng kể, cũng như làm thất vọng ý nguyện của cử tri.
Vì những lý do này, quốc hội một số nước đã đưa ra những điều khoản chống việc thay đổi đảng, bắt buộc đại biểu nào vào đảng khác giữa nhiệm kỳ đều phải từ chức, hoặc phải tranh cử lại trong một cuộc bầu cử giữa kỳ.
Tuy nhiên, quy định như vậy có vấn đề là nó vi phạm một nguyên tắc đã được thừa nhận: Đại biểu quốc hội phải được tự do phát biểu và hành động như họ muốn, vì lợi ích của cử tri của họ; và họ chỉ có thể mất ghế nếu bị buộc tội phạm luật hình sự, hoặc nếu có quyết định của toàn thể cơ quan lập pháp bãi miễn họ.
13. Quyền lực của cử tri giữa các kỳ bầu cử
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng, hành động chính trị duy nhất mà cử tri có là bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử; như vậy, giữa các kỳ bầu cử, cử tri chẳng có quyền gì. Do khả năng phải đối diện cử tri trong tương lai cấu thành nên một kỷ luật quan trọng đối với các đảng cầm quyền, và buộc các đảng ấy phải tham vấn công luận liên tục. Bên cạnh đó, có rất nhiều tổ chức xã hội dân sự để cử tri có thể tham gia gây ảnh hưởng đến chính quyền đối với những vấn đề cụ thể vào giữa các kỳ bầu cử. Chẳng hạn, họ có thể tham gia các nhóm vận động, hội tình nguyện, tham gia trong các chiến dịch vận động, liên hệ với đại biểu quốc hội và thành viên chính phủ, tham gia biểu tình, tham gia tham vấn trước khi làm luật, chất vấn đại diện về các chính sách v.v… Ngày nay, mạng internet giúp cho việc theo sát diễn biến hoạt động của chính phủ và quốc hội dễ dàng hơn.
14. Trưng cầu dân ý
Hầu hết các nền dân chủ đều đòi hỏi phải tổ chức trưng cầu dân ý, có khi trưng cầu được tổ chức do yêu cầu của đa số có đủ tư cách bỏ phiếu, có khi do những đề xuất thay đổi hiến pháp hoặc các đạo luật có ý nghĩa lập hiến. Lý do để trưng cầu dân ý là: Hiến pháp thuộc về toàn dân, chứ không phải về thành viên quốc hội hay chính phủ đương nhiệm; và vì thế nó phải được toàn dân trực tiếp phúc quyết.
Ở một vài quốc gia, người ta tổ chức trưng cầu dân ý trong một số đáng kể các vấn đề chính sách và luật pháp, thường là sau khi có một tập hợp chữ ký với số lượng nhất định ủng hộ đề xuất trưng cầu dân lý. Những cuộc trưng cầu dân ý như vậy có thể diễn ra dưới hình thức phủ quyết hồi tố những đạo luật hiện hành. Trưng cầu dân ý cũng có thể tạo điều kiện cho công dân tích cực có sáng kiến luật pháp mới, trong trường hợp đó trưng cầu dân ý có thể mang tính chất tư vấn cho cơ quan lập pháp, hoặc cũng có thể mang tính bắt buộc.
Việc ủng hộ hay chống đối trưng cầu dân ý là một trong những vấn đề không có câu trả lời đúng hay sai. Các nền dân chủ khác nhau sẽ áp dụng những cách thức khác nhau tuỳ theo truyền thống chính trị của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc cho phép trưng cầu dân ý về lập pháp và các sáng kiến của công dân đang dần trở nên phổ biến hơn trên thế giới.
Lý do là công cụ toàn dân này đang được coi là một cách để làm giảm khoảng cách giữa cơ quan lập pháp và cử tri. Việc đòi hỏi các sáng kiến như thế không xâm phạm các quyền hiến định, tiếng nói của người thiểu số hay các thành phần khác trong xã hội, tạo ra một cơ chế bảo đảm cần thiết và chống lạm dụng.
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #BaucuQuochoi2021 #VietnamElection2021 #Ngàyhộitoàndân #sángsuốtlựachọn