Ngày 24 tháng 3 vừa qua, tổ chức nhân quyền phi chính phủ CIVICUS (World Alliance for Citizen Participation: Liên minh Thế giới vì Sự tham gia của Công dân) đã đăng tải một thông cáo báo chí trên trang web chính thức của mình. Thông báo này thể hiện sự lo ngại trước việc một số quốc gia đang lợi dụng đại dịch toàn cầu Covid-19 để áp đặt một cách có chủ đích các biện pháp nhằm thu hẹp các quyền tự do dân sự của công dân.
Đặc biệt, thông cáo cũng đề cập đến tình trạng của hàng ngàn tù nhân chính trị, những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới đang bị giam cầm trong những điều kiện tồi tệ sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm, một số khuyến nghị đối với các nước cũng đã được tổ chức này đưa ra trong thông cáo.
Thông cáo báo chí của CIVICUS được đăng tải công khai tại địa chỉ: https://www.civicus.org/index.php/media-resources/media-releases/4357-civicus-states-should-put-human-rights-at-the-centre-of-all-responses-to-covid-19
Nhà xuất bản Tự Do đã dịch bản thông cáo báo chí này sang tiếng Việt và xin giới thiệu bản dịch đến đông đảo độc giả Việt Nam.
**
CIVICUS: CÁC QUỐC GIA NÊN ĐẶT NHÂN QUYỀN LÀ TRỌNG TÂM TRONG NHỮNG PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI COVID-19
• Trong suốt đại dịch toàn cầu COVID-19, các quốc gia không nên coi luật khẩn cấp là cái cớ để hạn chế các quyền công dân. • Những người bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị nên được thả ra để hạn chế sự lây lan. • Các chính phủ nên minh bạch trong việc đối phó với các mối đe dọa từ COVID-19 . • CIVICUS kêu gọi các nước nên dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp ngay khi các mối đe dọa của virus giảm đi.
Khi cộng đồng quốc tế đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và tiến tới việc tiêu diệt nó, thì các quốc gia cần đảm bảo rằng việc bảo vệ quyền con người phải là trọng tâm trong mọi động thái.
Vào tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng sự bùng phát của virus COVID-19 đã đạt đến mức độ của một đại dịch toàn cầu. WHO đã yêu cầu tất cả các chính phủ phải có hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.
Tuy nhiên, một điều thường thấy trong các trường hợp khẩn cấp khác, đó là một số quốc gia đã dùng các cuộc khủng hoảng để hạn chế các quyền tự do dân sự. Điều này được một số chính phủ dùng để biện minh cho các hành động của mình và duy trì chúng ngay cả khi các mối đe dọa về sức khỏe đã kết thúc. Các quốc gia phản ứng với sự lây lan của virus COVID-19 phải đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và luật nhân quyền quốc tế phải được xem là trọng tâm trong các phản ứng của họ đối với đại dịch.
Trong khi sự tập trung chú ý của cộng đồng quốc tế trong những tháng tới sẽ hướng đến đại dịch, thì các quốc gia có thể sẽ nhân cơ hội này để gia tăng các cuộc tấn công vào xã hội dân sự và áp đặt những biện pháp hạn chế.
Các quốc gia nên có các biện pháp chủ động để đảm bảo rằng các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ đầy đủ. Tại Trung Quốc, các nhà hoạt động đã bị quấy rối và đe dọa chỉ vì chia sẻ thông tin về virus trong khi các báo cáo đã bị kiểm duyệt. Tại những khu vực khác của châu Á, luật pháp đang được sử dụng để đàn áp và bắt giữ những người bị cho là truyền bá thông tin sai sự thật về virus.
Là một căn bệnh truyền nhiễm, vì vậy virus COVID-19 có nguy cơ lây lan cao trong những không gian kín như nhà tù, đồn cảnh sát hay các trại giam. Tình trạng quá tải do đông đúc, dinh dưỡng kém hay không được tiếp cận với vệ sinh đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các tù nhân. Các quốc gia có nghĩa vụ phải phóng thích những người bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị khỏi các nhà tù như một nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi một số tù nhân trong nhà tù ở Iran đã nhiễm virus. Chúng tôi ghi nhận một nỗ lực đáng khen ngợi của chính quyền Iran vì đã tạm thời trả tự do cho 85.000 tù nhân, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền – những người bị xem là tội phạm chỉ vì họ bảo vệ quyền của phụ nữ và người chưa thành niên. Các nước có lịch sử giam cầm những người bảo vệ nhân quyền và các thành viên của các phe chính trị đối lập như Ai Cập, Việt Nam và Cameroon, nên thực hiện tương tự.
Những tuyên bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp: các nước không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân, hoặc nhắm vào các nhóm, các cộng đồng thiểu số hay các cá nhân cụ thể. Luật khẩn cấp không nên được áp dụng để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, chúng phải được dỡ bỏ ngay khi các mối đe dọa từ virus giảm đi. Hơn nữa, các nhóm xã hội dân sự nên được hỏi ý kiến nếu có thể.
Tất cả những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là các nhóm bị thiệt thòi và các nhóm xã hội dân sự làm việc với họ, phải đều có quyền tiếp cận những thông tin liên quan đến tính chất và mức độ của các mối đe dọa do virus gây ra. Họ cũng nên có thông tin kịp thời về các cách để hạn chế rủi ro. Việc mạng Internet bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động ở các quốc gia như Myanmar, Ấn Độ và Ethiopia đang đặt hàng ngàn người vào tình trạng có thể gặp rủi ro.
Liên quan đến vấn đề này, CIVICUS kêu gọi các quốc gia:
• Phối hợp với các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự để minh bạch trong việc đối phó với các mối đe dọa do COVID-19 gây ra. Xử lý thông tin sai sự thật mọi lúc mà không cần dựa vào kiểm duyệt hay xử phạt hình sự.
• Ngưng ngay việc dùng COVID-19 như một cái cớ để áp đặt các hạn chế đối với xã hội dân sự, nhắm vào các mục tiêu là những người bảo vệ nhân quyền hoặc hạn chế các quyền tự do trên không gian mạng.
• Trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền và các tù nhân chính trị bị cầm tù chỉ vì các hoạt động nhân quyền của họ, hoặc bày tỏ quan điểm trái ngược với quan điểm của nhà nước.
• Dỡ bỏ các luật khẩn cấp và các biện pháp tạm thời được áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus, ngay khi các mối đe dọa này giảm bớt.
• Đảm bảo duy trì việc truy cập Internet mà không bị cản trở, chấm dứt ngay mọi hành động can thiệp có chủ đích đối với quyền tiếp cận và chia sẻ thông tin.
Comments