Kể từ khi dịch Corona bùng phát và trở thành đại dịch đến nay, nếu để ý các trang tin tức chính thống Việt Nam (các báo, đài chịu sự định hướng và quản lý của chính quyền), ta sẽ thấy ngoài tin tức cập nhật tình hình dịch bệnh thì các tin với nội dung như: “Đăng tải thông tin sai lệch về virus Corona”, “xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Corona”, “phạt nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt trên mạng xã hội”,… cũng là những tin xuất hiện khá thường xuyên. Hầu hết các “trường hợp vi phạm” ở đây là những người dùng mạng xã hội, nhiều nhất là Facebook. Một vài nghệ sĩ, ca sĩ phát biểu trên mạng xã hội về đề tài này còn phải lên đồn làm việc với công an, xóa bài đã đăng, công khai xin lỗi, thậm chí phải nộp phạt hành chính.
Tương tự, các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam từ lâu cũng đã quen thuộc với các loại giấy mời, giấy triệu tập của công an với nội dung làm việc “trao đổi một số vấn đề liên quan đến các bài viết trên mạng xã hội” được ghi hẳn hoi trên giấy.
Đương nhiên, đối với một nhà nước độc tài như Việt Nam thì tất cả những tin tức nào có nguy cơ đe dọa đến sự cai trị của nó, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với nó đều bị quy là “sai lệch”, “sai sự thật” hay “thất thiệt”. Nên cũng dễ hiểu vì sao nhà cầm quyền luôn dành sự quan tâm đối với truyền thông xã hội, đặc biệt đối với một cộng đồng người dùng mạng xã hội lên đến hàng chục triệu như Việt Nam. Sẽ không quá nếu nói rằng truyền thông xã hội là thứ không chỉ chính quyền Việt Nam mà bất cứ chế độ độc tài nào cũng… ghét và sợ vì khả năng lan tỏa của nó.
Thật vậy, từ việc triệu tập người dùng mạng xã hội lên đồn, xử phạt hành chính cho đến ban hành Luật An ninh Mạng thể hiện nỗi sợ của chính quyền rằng một ngày nào đó họ sẽ không thể kiểm soát được cộng đồng người dùng mạng xã hội. Các hình thức xử phạt mang tính răn đe sẽ bảo đảm mọi tiếng nói đối lập với chính quyền trên không gian mạng đều bị dập tắt trước khi trở nên quá muộn. Thực tế đã chứng minh đó là nỗi sợ hoàn toàn có căn cứ.
Trong cuộc Cách mạng Ai Cập năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, truyền thông xã hội đã thúc đẩy cuộc cách mạng theo cách không ai ngờ đến. Blog, Facebook, Twitter cho đến điện thoại di động đều được người Ai Cập sử dụng một cách triệt để và hiệu quả. Từ những nỗ lực hoạt động trên không gian mạng, họ đã huy động được hàng chục ngàn người xuống đường, buộc Tổng thống Hosni Mubarak – người đã cầm quyền 30 năm – phải từ chức.
“Cách mạng Xã hội” là ấn phẩm mới nhất của Nhà xuất bản Tự Do, do dịch giả An Nguyên chọn và biên dịch từ các tạp chí nghiên cứu uy tín trên thế giới. Dịch giả đã dành một vài phần của sách để phân tích và lý giải, tuy không toàn bộ, nhưng phần nào vai trò của truyền thông xã hội trong cuộc Cách mạng Ai Cập (2011). Ngoài ra, vai trò của quân đội và các lực lượng vũ trang trong các cuộc Cách mạng tại Serbia (2000) và Ukraine (2004) hay các cuộc cách mạng tiêu biểu khác vào thời kỳ này cũng được trình bày một cách khá toàn diện.
“Cách mạng Xã hội” chắc chắn là một cuốn sách đáng đọc cho những ai đã và đang dùng mạng xã hội, càng đáng đọc hơn cho những ai đã từng một lần xuống đường vì lời các lời kêu gọi trên đó.
Sách đang được Nhà xuất bản Tự Do phát hành miễn phí dưới dạng sách điện tử. Bạn đọc truy cập link dưới đây để đọc online hoặc tải sách về máy: https://nhaxuatbantudo.wpcomstaging.com/3d-flip-book/cach-mang-xa-hoi/
Chúng tôi cũng luôn có sách in dành cho những độc giả muốn mua sách ủng hộ. Vui lòng inbox trực tiếp qua fanpage để biết thêm chi tiết.
Comments