top of page
Writer's pictureAdmin

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ

Theo Nghị quyết số: 133/2020/QH14 của Quốc hội CHXHCNVN, ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là ngày 23/5/2021. Đây là một sự kiện lớn của đất nước, cũng là một dịp quan trọng đầy hứa hẹn đối với các đại biểu và ứng cử viên mới của Việt Nam trong những thập niên tới.


Trong mấy thập niên qua, nước ta đã trải qua nhiều cuộc đổi mới, tổ chức nhiều hội nghị trọng đại, song việc đặt ra các giải pháp xây dựng, hoàn thiện, phát triển kinh tế xã hội, tích cực hội nhập quốc tế vẫn là một thách thức lớn. Cho đến nay, đã có nhiều người lên tiếng về việc Việt Nam cần có hiến pháp mới, một văn kiện có tính pháp lý cao nhất của quốc gia,

nhưng người dân không thể có được điều kiện và cơ hội để thúc đẩy cho phép ra đời một bản hiến pháp mang tính dân chủ đích thực. Đã có nhiều nhà trí thức khuyến nghị chính quyền thực hiện cải cách toàn diện để đưa đất nước thoát khỏi cảnh lạc hậu và để tiến lên một tầm cao hơn, sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. Tuy nhiên, những đề xuất đó đã không được quan tâm, và các quan điểm cứng nhắc tiếp tục áp đặt lên từ thế hệ này đến thế hệ khác.


Trong bối cảnh hết sức nghiệt ngã, Hiến Pháp Việt Nam 2021 được xây dựng và ra đời qua một quá trình hết sức ngoại lệ. Đây cũng là một sự kiện lớn của đất nước và là một dịp để công dân ba miền và các tổ chức đại diện mọi thành phần trong xã hội đều có dịp tiếp cận và tìm hiểu về một bản hiến pháp mang tinh thần dân chủ, cùng tham gia quản trị đất nước. Sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức là một yếu tố vô cùng quan trọng, để duy trì tính dân chủ của hiến pháp và bảo đảm quyền lập hiến thực sự thuộc về nhân dân. Bởi đây là nền tảng để xây dựng quốc gia có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc.


Chính vì vậy, Hiến Pháp Việt Nam 2021 ra đời là một bản hiến pháp lâm thời với ước mong góp phần thực hiện cuộc Tổng tuyển cử Quốc gia trên nền tảng tự do, dân chủ, đa nguyên và đa đảng, một quốc gia pháp quyền và xây dựng Quốc hội lưỡng viện Việt Nam.


Cho đến nay, Việt Nam đã có nhiều bản hiến pháp, kể từ Hiến pháp 1946 thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử lập hiến Việt Nam đã có thêm 3 bản hiến pháp (1959, 1980 và 1992) tại miền Bắc và miền Nam 2 bản (1956 và 1967), nhưng người dân đa số vẫn nghèo, nước ta vẫn không sao giàu mạnh theo nhịp điệu tự nhiên của nhân loại. Từ sau khi nước nhà thống nhất đến nay, sự ảnh hưởng của các bản hiến pháp đã không tạo điều kiện thúc đẩy dân chủ, kìm hãm sự phát triển quốc gia dẫn đến tê liệt kinh tế, tha hóa xã hội và chủ quyền đất nước luôn đứng trước sức đe dọa của ngoại bang.


Cuốn sách «Giải trình Hiến Pháp Việt Nam 2021» có thể giúp đáp ứng phần nào trong quá trình tìm hiểu để đi đến áp dụng những mô hình thành công nhất trên thế giới, tiếp cận việc xây dựng hiến pháp và một quốc gia dân chủ, pháp quyền. Do đó, loạt sách Hiến Pháp xuất bản từ Vương quốc Na Uy được biên soạn chủ yếu gồm kiến thức cơ bản và trải nghiệm thực tế, đời sống chính trị và xã hội, điều kiện phù hợp và khả năng áp dụng ở nước ta.


Đây là cuốn sách thứ 2 của bộ sách Hiến Pháp Việt Nam (nối tiếp cuốn HIẾN PHÁP VIỆT NAM - Ngày 10 thánh 3 năm 2021) của QUOCHOIVN.ORG phát hành. Trong quá trình xây dựng hiến pháp, nội dung của các đoạn văn, các điều khoản được soạn thảo chi tiết và phong phú; và cũng do thời lượng hạn hẹp và cấp bách, tác giả không đủ thời gian giải trình tất cả, nhưng ưu tiên đặc biệt các điều mang tính mới mẻ hoặc cấp thiết, và cũng do đó, cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót, khiếm khuyết. Rất mong bạn đọc lượng thứ và góp ý để cuốn sách này có thể được hoàn thiện hơn trong các lần tái bản.


Mọi góp ý xin được gửi về quochoivn.org@gmail.com.


Na Uy, 12/2020

Nguyễn Kim Oanh


29 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page