19/05/2020
Ảnh: Người biểu tình bị bắt và áp giải ở Gwangju năm 1980 (nguồn BBC tiếng Việt)
Một trong những việc làm đầu tiên của vị Tổng thống thứ 12 của Đại Hàn Dân Quốc Moon Jae-in ngay sau khi nhậm chức vào năm 2017 là lập tức ký sắc lệnh bãi bỏ việc cấm sử dụng bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” ngay tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của Phong trào dân chủ Gwangju.
Trong cuộc nổi dậy của dân chúng mà đa số là sinh viên tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc vào ngày này cách đây tròn 40 năm (18/5/1980), bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” được người biểu tình dùng như một biểu tượng chống lại sự cai trị độc tài của Tổng thống Chun Doo-han. Bài nhạc tiếp tục được học sinh, sinh viên Hàn Quốc sử dụng trong những cuộc biểu tình đòi dân chủ trong những thập niên 80 và 90. Từ năm 2009, dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, bài hát này đã bị cấm sử dụng trong những buổi lễ tưởng niệm hằng năm dành cho các nạn nhân của Phong trào Gwangju, lệnh cấm tiếp tục được gia hạn khi bà Park Geun-hye trở thành tổng thống vào năm 2012.
Trong khoảng hơn 1 tuần diễn ra phong trào (từ ngày 18-27/5/1980), đụng độ giữa người biểu tình và binh đoàn đặc biệt có tên Chân Tâm (True Heart) được trang bị vũ khí hạng nặng của Chun Doo-han, đã khiến khoảng 200 sinh viên và dân thường thiệt mạng (con số thực tế có thể cao hơn), hàng trăm người khác bị thương, bị bắt giữ, tra tấn hoặc mất tích. Mặc dù thất bại và chính phủ độc tài thời đó đã tìm mọi cách bôi nhọ những người tham gia phong trào, mà phải rất lâu sau đó danh dự của họ mới được khôi phục hoàn toàn, nhưng những sinh viên đã ngã xuống trong cuộc biểu tình tại Gwangju 40 năm trước là những người tiên phong, đặt nền móng cho cuộc chuyển đổi dân chủ thực sự tại Hàn Quốc vào năm 1987. Biến một quốc gia trong nhiều thập niên phải chịu sự cai trị của các chế độ độc tài quân sự, chuyển mình thành một Hàn Quốc dân chủ và hùng mạnh mà chúng ta biết ngày nay.
Để có một Hàn Quốc “long lanh”, hấp dẫn gần cả thế giới với phim ảnh, âm nhạc và ẩm thực của hôm nay, các thế hệ người Hàn đi trước đã phải trải qua những tháng ngày phản kháng đầy máu, nước mắt và cả sự nhục nhã đeo bám họ suốt đời.