Chiều hôm qua, ngày 14/09/2020, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên án 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm với 02 án tử hình; 01 án chung thân; 12 án giam giữ từ 3 năm đến 16 năm; 14 án tù treo. Đây là những mức án rất nặng đối với những người nông dân giữ đất. Mức án này đã gây nên một làn sóng căm phẫn trong cộng đồng, đặc biệt khi các tình tiết oan sai đang được các luật sư, các nhà phân tích nêu ra.
ĐIỀU TRA, XÉT XỬ SAI THẨM QUYỀN
Một video phóng sự của đài SBTN phỏng vấn luật sư Phạm Công Út, được phát sóng ngày 13/09/2020, một ngày trước khi tòa tuyên án, trong đó luật sư Út nêu rõ quan điểm “Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử sai thẩm quyền”.
Theo luật sư Út: Luật pháp quy định rằng “ai xâm phạm đến quyền lợi của quân đội thì thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử thuộc thẩm quyền của quân đội”.
Vụ án Đồng Tâm gắn liền với việc tranh chấp đất Cánh Đồng Sênh, gắn với sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng, và đó là tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và Bộ Quốc phòng. Như vậy, theo luật định, vụ án này liên quan đến quyền lợi của Bộ Quốc phòng nên phải do Bộ Quốc phòng xét xử. Công an Hà Nội đứng ra điều tra, truy tố, Tòa án Nhân dân Hà Nội đứng ra xét xử là hoàn toàn sai thẩm quyền. Và một khi đã sai thẩm quyền, tức là đã tạo ra oan sai nghiêm trọng.
Cũng theo luật sư Út, có một sự nhập nhằng từ một công văn của Bộ Quốc phòng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, yêu cầu các lực lượng, các cơ quan chức năng thành phố HN bảo vệ quá trình xây dựng tường rào. Theo công văn này thì phía chính quyền Hà Nội chỉ được phép bảo vệ quá trình xây dựng chứ không có quyền tấn công, truy tố, khởi tố và xét xử.
Trước khi tấn công, công an Hà Nội còn tổ chức diễn tập ngay sát thôn Hoành, để cho người dân Đồng Tâm thấy là công an sẵn sàng tấn công. Đây là hành động cố ý khiêu khích, thúc đẩy người khác phạm tội. Buộc người dân ở vào thế phải có sự chuẩn bị để bảo vệ gia đình và tài sản của họ, chứ họ không chống lại người thi hành công vụ, họ cũng không nhằm vào mục đích giết người.
Địa điểm tấn công lại không phải là nơi xây bức tường mà là nhà dân, vào lúc mà người dân đang ngủ yên trong nhà của họ. Đây chính là hành đông ép buộc người dân phải phản kháng, phải chống trả.
Khuất tất còn thể hiện rõ ở tình tiết, đất tranh chấp của quân đội nhưng khi xét xử lại không cho bên quân đội tham gia. Khi các luật sư đề nghị triệu tập bên quân đội thì tòa án cho rằng không liên quan.
Điều dễ hiểu là: Nếu triệu tập Bộ Quốc phòng thì thẩm quyền không còn thuộc Tòa án Nhân dân nữa, điều này sẽ phá vỡ toàn bộ quá trình điều tra và xét xử.
Tòa án cũng không dám cho thực nghiệm hiện trường, phải chăng họ sợ gặp phải sự phản ứng của những người tham gia thực nghiệm và công luận.
https://www.youtube.com/watch?v=Olg-81P_FX4
THIẾU KHÁCH QUAN và NHIỀU ĐIỂM ĐÁNG NGỜ
Công an Hà Nội đã lên một bản kế hoạch cho việc tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020. Bản kế hoạch này được đặt tên là Kế hoạch 419A và đã được Bộ Công an phê duyệt. Theo Điều 330 Bộ luật Hình sự, muốn truy tố tội chống người thi hành công vụ thì công vụ phải hợp pháp. Như vậy, bản kế hoạch này là một tài liệu quan trọng, là điểm mấu chốt để xác định tính hợp pháp của công vụ, từ đó mới xác định đúng tội danh. Vì vậy, văn bản gốc của Kế hoạch này phải có trong hồ sơ vụ án.
Nhưng, luật sư Lê Luân cho biết trên trang cá nhân của mình: "Vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419A này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án. Tài liệu là văn bản trả lời về kế hoạch của Công an Hà Nội chỉ là một văn bản thế thân, nên không có giá trị để đánh giá so với bản Kế hoạch gốc chứa đựng nội dung của nó".
Trong khi đó, luật sư bên bị hại thì "vô tình" tiết lộ rằng đó là tài liệu "tối mật".
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143629
Việc công an nửa đêm xông vào nhà dân bắt người mà không có quyết định của tòa án bị nhiều người cho là vi phạm hiến pháp. Bộ Công an vừa là cơ quan tổ chức cuộc tấn công vào thôn Hoành, vừa là cơ quan điều tra, truy tố vụ án, điều này bị đánh giá là không thể khách quan.
Cơ quan điều tra cũng đã cản trở, hạn chế các luật sư tiếp cận hồ sơ và tiếp xúc thân chủ của họ. Đặc biệt, việc ông Bùi Viết Hiểu trình bày với luật sư rằng ông là người chứng kiến cảnh cụ Lê Đình Kình bị bắn trực diện, trái ngược hoàn toàn với cáo trạng nói rằng cụ Kình bị bắn từ phía sau. Những điều này càng làm tăng thêm sự ngờ vực của công luận đối với vai trò của cơ quan công an trong vụ án này.
Đến ngày thứ ba của phiên xử, 19 bị cáo cho biết bị tra tấn trong quá trình điều tra. Trong đó, ông Lê Đình Công cho biết, ông bị điều tra viên Phạm Việt Anh đánh bằng dùi cui cao su suốt 10 ngày. Còn nhiều điểm phi lý nữa trong bản cáo trạng. Đơn cử như mô tả cho rằng sau khi ông Lê Đình Chức đẩy 3 công an xuống hố thì ông Lê Đình Doanh châm lửa đốt chậu xăng bưng hất xuống hố…
PHẢN ỨNG CỦA DƯ LUẬN
Nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng, bày tỏ sự quan ngại của họ đối với vụ việc và cho rằng có sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Ân xá Quốc tế nhận định rằng "Đây là một bản án vô nhân đạo sau một phiên tòa bất công trắng trợn".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng lên tiếng về phiên tòa 'có án nặng' nhưng 'không gây ngạc nhiên'.
"Các bản án nặng đối với các bị cáo Đồng Tâm, bao gồm hai án tử hình, không có gì ngạc nhiên. Giống như tất cả các tòa án ở Việt Nam, tòa án Hà Nội này không độc lập vì phải tuyên các bản án đã được xác định trước theo phán quyết Đảng cộng sản."
Ông David Brown, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, viết:
"Hầu như chừng nào còn có nông dân, còn có những cuộc nổi dậy của nông dân, và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man."
Dư luận trong nước cũng rất bất bình trước mức án rất cao dành cho người dân Đồng Tâm.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ viết:
"Tôi tính không viết gì về vụ Đồng Tâm, chấp nhận mình thành một thằng hèn giữa những nhiễu nhương thời cuộc. Nhưng nay xem VTV1, thấy nhà đài ca ngợi bản án với 2 án tử hình, 1 án chung thân (đều dành cho người một nhà, trong khi cha, ông họ đã phải chết trong cuộc xung đột đó) là NHÂN VĂN, HỢP TÌNH HỢP LÝ, tôi không thể chịu nổi. "Nhân văn" chỗ nào, "hợp tình hợp lý" chỗ nào thế VTV?
Thạc sĩ Nghiêm Hoa, nhà nghiên cứu và thực hành sư phạm nhân quyền và phát triển dựa trên quyền ở Việt Nam viết trên Facebook:
"Mình phản đối bản án tử hình. Trong bất kỳ trường hợp nào. Bản án tử hình dành cho ông Chức còn là một sự phân biệt giới: phụ nữ nuôi con nhỏ thì không bị án tử hình, nhưng một người bố có đứa con vừa chào đời thì không đáng kể chi. Nghe nói VTV bình luận bản án này là nhân văn, không biết chỗ này nhân văn ở đâu?!"
Cùng lúc, nhiều facebooker đã đồng loạt thay avatar biểu tượng phản đối bản án bất công dành cho người dân Đồng Tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54157589