(Bài dự thi của độc giả Mạnh Nguyên với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
I. Tổng quan về hệ thống chính trị Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia theo mô hình Đại nghị chế, hay còn gọi là Quân chủ Đại nghị. Theo mô hình này, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ và nắm quyền hành pháp. Thiên hoàng là người đứng đầu Nhà nước, mang tính nghi lễ và là đại diện cho tinh thần dân tộc Nhật. Hiến pháp đóng vai trò tối cao trong chính trị Nhật.
Nhật Bản đã có bản Hiến pháp đầu tiên của mình và cũng là đầu tiên của châu Á, do Minh Trị Thiên hoàng ban hành vào ngày 11/02/1889 và tồn tại cho đến sau Thế chiến thứ II. Bản Hiến pháp này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các mô hình của châu Âu như Đức, Anh và Pháp.
Sau thế chiến thứ II, Hiến pháp Nhật được Tướng Mỹ là Douglas MacArthur, người đứng đầu quân đội Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản, chủ trì biên soạn lại, chuyển đổi mô hình từ Nhà nước quân phiệt sang Nhà nước dân chủ, đồng thời ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa quân phiệt, từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh và cấm duy trì các lực lượng vũ trang (Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản). Mô hình thể chế chính trị Nhật Bản hiện tại dựa trên chế độ lưỡng viện đa đảng. Quyền lực chính trị bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp độc lập với nhau. Thiên hoàng chỉ có địa vị tượng trưng cho đất nước Nhật Bản và sự thống nhất của người dân Nhật, Thiên hoàng không can dự vào công việc chính trị của đất nước.
Cơ quan lập pháp của Nhật Bản bao gồm Quốc hội lưỡng viện, gồm Chúng nghị viện còn gọi tắt là Chúng viện hay Hạ viện và Tham nghị viện còn gọi là Tham viện hay Thượng viện.
Hạ viện Nhật Bản hiện nay có 465 nghị sĩ, nhiệm kỳ bốn năm. Nhưng Hạ viện hiếm khi tồn tại được đủ 4 năm do thường bị giải thể trước nhiệm kỳ. Trong số 465 ghế Hạ viện, có 289 nghị sĩ được bầu từ các khu vực bầu cử đơn danh trực tiếp (bầu theo ứng cử viên) và 176 nghị sỹ khác được bầu theo tỉ lệ (bầu theo đảng phái). Các ứng cử viên bầu vào Hạ viện phải ít nhất 25 tuổi.
Thượng viện Nhật Bản có 242 nghị sĩ, các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm và cứ ba năm lại có một nửa số ghế Thượng viện phải bầu lại. Mỗi kỳ bầu cử Thượng viện sẽ bầu cho 121 ghế, trong đó 73 người được bầu từ 47 tỉnh theo phương thức bầu trực tiếp và 48 người được bầu từ danh sách toàn quốc theo phương thức tỷ lệ. Số ghế được bầu theo phương thức tỷ lệ nhằm tránh sự thao túng bằng tài chính trong các chiến dịch vận động tranh cử, được áp dụng từ năm 1982. Các ứng cử viên tranh cử vào Thượng viện phải ít nhất 30 tuổi. Thượng viên không bị giải thể như Hạ viện.
Quốc hội Nhật Bản có quyền bổ nhiệm Thủ tướng và thông thường, Thủ tướng là đại diện của chính đảng hoặc liên minh chính đảng thắng cử. Thủ tướng có quyền giải tán Hạ viện. Mặt khác, Hạ viện có quyền giải tán Nội các của Thủ tướng bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc từ chối bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Hạ viện thông qua nghị quyết không tín nhiệm hoặc từ chối bỏ phiếu tín nhiệm Nội các, thì toàn bộ Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải từ chức.
Trong quan hệ giữa hai viện của Quốc hội Nhật Bản, Hạ viện có ưu thế hơn Thượng viện. Trong trường hợp các quyết định được đưa ra Quốc hội mà không đạt được sự thống nhất ý kiến giữa hai viện thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hạ viện. Theo quy định, mỗi công dân Nhật Bản chỉ được làm nghị sĩ của một trong hai viện.
Trong Nội các Nhật Bản, đứng đầu là Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng là các Bộ trưởng. Thủ tướng do Quốc hội bổ nhiệm, các Bộ trưởng được Thủ tướng lựa chọn và bổ nhiệm. Phần lớn thành viên của Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải là đại biểu của một trong hai viện Quốc hội. Nếu Nội các buộc phải từ chức tập thể, họ vẫn phải điều hành công việc cho đến khi có một Thủ tướng mới được bổ nhiệm.
II. Hệ thống bầu cửa Nhật Bản
1. Các ủy ban bầu cử:
a. Ủy ban bầu cử trung ương:
Ủy ban bầu cử trung ương có nhiệm vụ chính là quản lý các công việc liên quan đến bầu cử đại diện theo tỷ lệ của Hạ viện, Thượng viện và các công việc liên quan đến lựa chọn các thẩm phán của Tòa án tối cao. Nhiệm vụ quan trọng là đưa ra lời khuyên và khuyến nghị cho ủy ban điều hành bầu cử cấp tỉnh hoặc thành phố về những vấn đề này.
Số lượng thành viên là 5 người, nhiệm kỳ là 3 năm. Các thành viên ủy ban là những người không thuộc Quốc hội và được Thượng viện bầu ra, sau đó họ được Thủ tướng bổ nhiệm. Chủ tịch ủy ban được bầu từ thành viên của ủy ban. Ủy ban Bầu cử Trung ương này là một tổ chức trực thuộc của Bộ Nội vụ và Truyền thông.
b. Ủy ban bầu cử tỉnh:
Ủy ban bầu cử tỉnh quản lý các công việc liên quan đến các khu vực bầu cử một thành viên của Hạ viện, các khu vực bầu cử trực tiếp của Thượng viện, bầu cử các thành viên của hội đồng tỉnh và thống đốc tỉnh, và cả các công việc liên quan đến việc bầu cử các quan chức cấp huyện. Họ cũng tham mưu và đề xuất với ủy ban điều hành bầu cử của thành phố.
Số lượng thành viên là 4 người, nhiệm kỳ là 4 năm. Các thành viên của ủy ban bầu cử tỉnh được bầu bởi các thành viên của quốc hội. Chủ tịch ủy ban được bầu từ các thành viên ủy ban.
c. Ủy ban điều hành bầu cử khu vực theo tỷ lệ của Hạ viện
Nhiệm vụ chính liên quan đến cuộc bầu cử theo tỷ lệ của Hạ viện. Họ cố vấn và đề xuất với các ủy ban điều hành bầu cử của các thành phố trực thuộc trung ương về các công việc thuộc khu vực mà họ phụ trách.
Số lượng thành viên là 8 và nhiệm kỳ của chức vụ là nhiệm kỳ của mỗi cuộc bầu cử tỉnh. Chủ tịch được bầu từ trong số các thành viên ủy ban.
d. Ủy ban bầu cử thành phố
Nhiệm vụ chính là quản lý các công việc liên quan đến bầu cử các thành viên của hội đồng thành phố và người đứng đầu; quản lý việc bỏ phiếu cho tất cả các cuộc bầu cử; đồng thời phụ trách việc lập và quản lý danh sách bầu cử.
Số lượng thành viên là 4 người, nhiệm kỳ là 4 năm.
e. Ban quản lý bỏ phiếu
Quản lý việc mở phiếu trong mỗi cuộc bầu cử. Cụ thể, bao gồm phát hành phiếu bầu, cho phép bỏ phiếu, xác nhận cử tri, gửi thùng phiếu cho người quản lý kiểm phiếu và duy trì trật tự tại các điểm bỏ phiếu. Những người quản lý bầu cử do ủy ban bầu cử thành phố bổ nhiệm trong số các cử tri tham gia cuộc bầu cử.
f. Quản lý kiểm phiếu
Cơ quan này xử lý các công việc liên quan đến việc kiểm phiếu cho các cuộc bầu cử. Cụ thể, bao gồm việc kiểm phiếu, xác định hiệu quả của phiếu, báo cáo kết quả kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu, duy trì trật tự phòng kiểm phiếu.
Trưởng phòng kiểm phiếu do ủy ban điều hành bầu cử của thành phố bổ nhiệm trong số các cử tri của cuộc bầu cử.
g. Nhân chứng kiểm phiếu
Là những người chứng kiến quá trình kiểm phiếu và giám sát để nó được thực hiện một cách công bằng. Cụ thể, họ chứng kiến thủ tục kiểm phiếu và nêu ý kiến khi xác định hiệu quả của việc bỏ phiếu. Số lượng nhân chứng từ 3 người trở lên và 10 người trở xuống tại mỗi điểm kiểm phiếu.
2. Bầu cử Hạ viện:
Tổng tuyển cử tại Nhật Bản là một cuộc bầu cử được tổ chức để chọn tất cả các thành viên của Hạ viện. Tổng tuyển cử được chia làm hai loại, một loại là do Hạ viện hết nhiệm kỳ (4 năm); và loại thứ hai là do Hạ viện bị giải tán trước nhiệm kỳ.
Bầu cử Hạ viện là sự kết hợp từ hai hệ thống bầu cử: Hệ thống bầu cử đơn danh theo ứng cử viên và hệ thống bầu cử tỷ lệ theo đảng phái. Số thành viên của Hạ viện là 465 người, trong đó 289 người được bầu theo khu vực bầu cử đơn danh một ghế và 176 người theo tỷ lệ đại diện. Kỳ bầu cử cho khu vực đơn danh và kỳ bầu cử đại diện theo tỷ lệ diễn ra trong cùng một ngày bầu cử.
Bầu cử đơn danh là một hệ thống trong đó một nghị sỹ được bầu chọn để làm đại diện cho một đơn vị bầu cử. Toàn Nhật Bản có 289 khu vực bầu cử đơn danh, tại mỗi khu vực này, cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên ra tranh cử. Ứng viên nào có nhiều phiếu bầu nhất là người chiến thắng. Đó là lý do tại sao nó được gọi là khu vực bầu cử "một ghế".
Hệ thống đại diện tỷ lệ là một hệ thống trong đó các ghế được phân bổ cho các đảng chính trị theo tỷ lệ số phiếu mà đảng đó thu được. Khi bỏ phiếu, cử tri chọn tên của đảng chứ không phải tên của ứng cử viên, và đảng có nhiều phiếu nhất sẽ được phân bổ nhiều ghế hơn. Hệ thống đại diện tỷ lệ được tổ chức tại 11 khu vực bầu cử (khối), và cử tri bỏ phiếu với tên của đảng chính trị, chứ không phải tên của ứng cử viên. Số ghế được phân bổ cho mỗi khối bầu cử là cố định. Số người chiến thắng đối với mỗi đảng phái chính trị được xác định tương ứng với tỷ lệ tổng số phiếu bầu mà đảng phái chính trị đó nhận được.
Ví dụ: Một khu vực bầu cử được phân bổ 10 ghế. Nếu một đảng chính trị nhận được 30% số phiếu bầu thì sẽ nhận được 3 ghế (30% số ghế) tại khu vực đó.
Khi tham gia tranh cử, tại mỗi khối bầu cử, mỗi đảng phái sẽ nộp cho Ủy ban bầu cử một danh sách các ứng cử viên được sắp xếp theo "thứ hạng để trở thành người chiến thắng". Những người chiến thắng sẽ được quyết định theo thứ tự trong danh sách đó, lấy từ trên xuống dưới. Nếu một đảng chính trị được 3 ghế ở một khu vực bầu cử, thì người thắng cử sẽ là 3 người đầu tiên trong danh sách.
Kết quả bầu cử Hạ viện là tổng hợp những người chiến thắng từ cả hai phương pháp bầu cử. Mỗi cử tri khi đi bầu sẽ bỏ phiếu cho cả 2 hệ thống bầu cử này. Một trong những lý do để áp dụng hệ thống bầu cử hiện tại, đặc biệt là "các khu vực bầu cử một ghế", nhằm đảm bảo rằng các cuộc bầu cử không tốn quá nhiều chi phí. Nếu khu vực bầu cử rộng lớn, sẽ phải tốn rất nhiều tiền để chạy xe quanh khu vực bầu cử để chào hỏi người dân và dán áp phích bầu cử ở nhiều nơi. Bằng cách thiết lập các khu vực bầu cử nhỏ hơn, có thể giảm chi phí cho ứng cử viên. Hơn nữa, với một khu vực bầu cử nhỏ, ít dân cư, người đại diện sẽ gần gũi hơn với người dân và nguyện vọng của người dân được truyền tải đến Quốc hội dễ dàng hơn.
3. Bầu cử nhị phân của Thượng viện:
Đó là một cuộc bầu cử định kỳ để chọn ra một nửa số thành viên của Thượng viện.
Hiến pháp quy định rằng, một nửa số thành viên của Thượng viện phải được thay thế ba năm một lần. Như vậy, số Thượng nghị sỹ cứ luân phiên được bầu sau mỗi ba năm và mỗi Thượng nghị sỹ có nhiệm kỳ là sáu năm. Thượng viện không bị giải tán nên các kỳ bầu Thượng viện luôn là cố định.
Tương tự như bầu Hạ viện, thành viên Thượng viện cũng được bầu theo hai phương pháp: phương pháp bầu trực tiếp theo ứng cử viên từng khu vực và phương pháp bầu tỷ lệ theo đảng phái. Số thành viên của Thượng viện là 248 người, trong đó 100 người được bầu theo tỷ lệ và 148 người được bầu trực tiếp từ các khu vực bầu cử.
Bầu cử đại diện theo tỷ lệ của Thượng viện được bầu chung trên toàn quốc, nghĩa là cả nước chỉ có một khu vực bầu cử. Như vậy, các đảng phái tranh cử phải là đảng lớn ở tầm quốc gia, các đảng nhỏ địa phương khó có thể thắng cử.
Bầu cử trực tiếp của Thượng viện khác so với Hạ viện ở chỗ: Tại mỗi khu vực bầu cử Thượng viện, có một hoặc nhiều ứng cử viên được lựa chọn; trong khi mỗi khu vực bầu cử của Hạ viện chỉ chọn một ứng viên duy nhất. Bầu cử trực tiếp của Thượng viện được tổ chức trên cơ sở cấp tỉnh, nghĩa là mỗi tỉnh là một khu vực bầu cử, và cử tri bỏ phiếu bằng cách nêu rõ tên của ứng cử viên mà họ muốn giành chiến thắng. Người chiến thắng sẽ được quyết định theo thứ tự từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất và theo số lượng được phân bổ cố định của mỗi khu vực bầu cử.
Cũng giống như Hạ viện, các ứng cử viên Thượng viện được lựa chọn bằng cách kết hợp hệ thống bầu cử trực tiếp và hệ thống đại diện tỷ lệ. Khi bầu Thượng viện, cử tri cũng sẽ bỏ hai lá phiếu theo hai phương pháp bầu cử nói trên.
4. Các kỳ bầu cử khác:
a. Bầu hội đồng địa phương:
Bầu cử hội đồng địa phương là một cuộc bầu cử lựa chọn tất cả các thành viên của hội đồng tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (các tổ chức công cộng địa phương). Điều này không chỉ bao gồm việc hết nhiệm kỳ (4 năm), mà còn có trường hợp bầu lại do hội đồng địa phương bị giải tán.
b. Bầu người đứng đầu cơ quan công quyền ở địa phương:
Đây là một cuộc bầu cử để chọn ra những người đứng đầu các tổ chức công địa phương như thống đốc tỉnh và thị trưởng các thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài việc hết nhiệm kỳ (4 năm), còn thực hiện các trường hợp cách chức do người dân trực tiếp yêu cầu (triệu hồi), mất việc làm do bỏ phiếu bất tín nhiệm, chết, nghỉ hưu, mất quyền. bỏ phiếu, v.v…
c. Bầu cử địa phương thống nhất
Cuộc bầu cử người đứng đầu các cơ quan công quyền địa phương và thành viên của hội đồng địa phương được gọi là cuộc bầu cử địa phương thống nhất. Nó được tổ chức bốn năm một lần kể từ năm 1947 với mục đích nâng cao nhận thức của cử tri về các cuộc bầu cử trên toàn quốc và thúc đẩy các cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
d. Bầu cử lại hoặc bầu cử phụ (bổ sung cho các cuộc bầu cử chính thức và thiếu người chiến thắng):
Sau khi các cuộc bầu cử chính thức diễn ra, có thể có trường hợp người thắng cử qua đời, hoặc chiến thắng bị cho là không hợp lệ do vi phạm các quy định về bầu cử, cũng có thể có trường hợp thành viên Quốc hội/hội đồng nghỉ hưu… trong những trường hợp này, một cuộc bầu cử phụ sẽ được tiến hành.
Trong trường hợp bầu cử quốc gia, theo nguyên tắc chung, các cuộc bầu cử phụ được tổ chức hai lần trong một năm vào Chủ nhật thứ tư của tháng Tư và tháng Mười.
Lời kết: Nếu bỏ qua vai trò của Đảng Cộng sản thì hệ thống chính trị Việt Nam có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô hình Đại nghị nói chung và của Nhật Bản nói riêng. Việt Nam và Nhật Bản cũng có một số nét tương đồng về văn hóa. Để có được một nhà nước dân chủ như hiện nay, Nhật Bản đã phải trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, cũng như một quá trình dài chuyển đổi để thay đổi, trong đó, việc thay đổi phương thức bầu cử đóng một vai trò quan trọng để hình thành xã hội dân chủ. Với bài viết ngắn này, tôi hy vọng đem đến cho độc giả một góc nhìn rộng hơn về bầu cử, khác với cách thức bầu cử đơn giản hiện nay tại Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho người dân và được người dân bầu ra, nên phương thức bầu cử Quốc hội sẽ thể hiện tính đại diện đó cao hay thấp. Một nghị sỹ đại diện trực tiếp và chịu trách nhiệm với một nhóm cư dân thì rõ ràng tính đại diện và trách nhiệm sẽ cao hơn so với một “đoàn đại biểu Quốc hội” gồm vài chục người, nhưng lại không biết cụ thể ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước người dân trong một khu vực.
Bầu cử theo tỷ lệ cũng cho phép sự tham gia của nhiều đảng phái. Mỗi đảng phái đại diện cho một xu hướng chính trị khác nhau, do đó, khi có nhiều đảng phái cùng tham gia thì sẽ cân bằng được các xu hướng chính trị, giảm thiểu nguy cơ tạo ra xung đột. Khi có mâu thuẫn và bất đồng chính trị thì vấn đề sẽ được giải quyết thông qua một cuộc bầu cử mới, chứ không đẩy đến xung đột vũ trang hoặc nội chiến.
Các nguồn tham khảo:
https://www.soumu.go.jp/senkyo/senkyo_s/naruhodo/naruhodo06.html
https://www.soumu.go.jp/senkyo/senkyo_s/naruhodo/naruhodo03.html
https://www.city.kokubunji.tokyo.jp/shisei/gyousei/senkyo/1021333/1021387.html
https://vi.wikisource.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n
https://www.sakura-vn.com/chinh-tri-nhat-ban/
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #BaucuQuochoi2021 #VietnamElection2021 #Ngàyhộitoàndân #sángsuốtlựachọn