(Bài dự thi của độc giả Trần Văn Đức với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
Muốn cho phong trào dân chủ ở Việt Nam trở nên lớn mạnh hơn thì các cá nhân, hay các tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một khối thống nhất (đoàn kết mới tạo ra sức mạnh). Muốn có sự hợp tác, hưởng ứng lẫn nhau thì phải cùng đứng chung một hệ quy chiếu, một quan điểm, một mục tiêu hướng tới. Có thể chia các vấn đề cần phải thống nhất thành 3 việc chính yếu bắt buộc đó là: thống nhất lựa chọn thể chế, hệ thống bầu cử, và thống nhất về cách thức đấu tranh cũng như cái nhìn của chúng ta về lịch sử cận đại, thái độ của chúng ta với đảng cộng sản và bộ máy ăn theo đảng cộng sản.
Vậy nên cuộc thi này do NXB Tự Do tổ chức rất có ý nghĩa. Nó tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có cơ hội trình bày thiên kiến của mình về các vấn đề chính yếu đó, để rồi chắt lọc các ý kiến có giá trị, từ đó mới có thể tạo nên một phương án chung liên kết tất cả mọi thành phần đấu tranh cho dân chủ lại với nhau, thành một khối thống nhất.
Nếu như ví thể chế giống như thể xác thì hệ thống bầu cử lại giống như tinh thần (tâm trí) con người vậy, tuy có thể phân biệt nhưng lại không thể tách rời nhau. Vì vậy lựa chọn hệ thống bầu cử cũng quan trọng không kém lựa chọn thể chế chính trị cho một quốc gia.
Bài viết này được trình bày với quy ước ngầm rằng “người đọc đã thống nhất quan điểm Viêt Nam tương lai phải là một thể chế đa nguyên đa đảng”, và bài thi này chỉ là lựa chọn hệ thống bầu cử phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhất, trong điều kiện đa đảng được chấp thuận ở Việt Nam.
I. Ý nghĩa của bầu cử chính trị.
Bầu cử chính trị là một phương tiện (công cụ) để người dân có thể chọn ra người (nhóm người) lãnh đạo đất nước phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân của quốc gia đó, thay mặt cho người dân quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia. Đúng hơn người dân kì vọng ở người lãnh đạo đất nước phải có tâm, bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn rộng (bởi không phải lúc nào ý kiến số đông cũng là đúng) để mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia nhất có thể.
Lãnh đạo chính trị không giống như những dạng lãnh đạo khác, bởi lẽ nó cung cấp cho nhà (tổ chức) lãnh đạo rất nhiều công cụ có quyền lực mạnh. Ví dụ: làm luật, ra các chính sách, điều động quân đội, sử dụng ngân sách của nhà nước…. Như vậy các nhà lãnh đạo rất có thể sử dụng các công cụ đó để làm lợi cho mình. Chính vì lẽ đó đối với những kẻ có tham vọng thì quyền lực chính trị luôn là thứ mà họ thèm khát, và sẵn sàng làm những việc mà chúng ta cho rằng không trong sạch (gian lận bầu cử) để được mục đích của họ.
Để hạn chế quyền lực chính trị rơi vào tay kẻ xấu, hay người lãnh đạo không đủ năng lực để có thể lãnh đạo quốc gia. Cuộc bầu cử phải diễn ra công bằng.
Vậy thì công bằng trong cuộc bầu cử là gì? Tạm thời chúng ta có ba ý chính sau:
1. Ý thứ nhất được rút ra dưới mệnh đề sau: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước nhau, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, địa vị… Mệnh đề này trong bầu cử được thể hiện thành hai ý:
- Mỗi người dân (cử tri) khi đủ tuổi, và không có vấn đề về nhận thức đều được quyền tham gia bầu cử.
- Mỗi lá phiếu do người dân (cử tri) bầu chọn đều có giá trị như nhau không có sự phân biệt nào ở đây.
2. Bất kỳ ai (hay tổ chức nào) cũng có quyền tham gia vận chuyển, và giám sát kiểm phiếu để kết quả thực sự công bằng.
3. Ứng cử viên không được dối trá lý lịch bản thân nhằm đánh lừa cử tri.
II. Các yêu cầu của một hệ thống bầu cử.
Thiết kế hệ thống bầu cử cũng giống như lựa chọn thể chế chính trị vậy, nó phức tạp và cũng có thể tùy biến ra nhiều loại khác nhau, phù hợp với từng quốc gia. Vậy nên không thể áp dụng máy móc hệ thống bầu cử của quốc gia khác đem về của mình được, mà phải tùy biến chắt lọc những thứ phù hợp với điều kiện văn hóa của đất nước. Nhưng về cốt lõi, lựa chọn hệ thống bầu cử phải tuân theo ba nguyên tắc sau: đơn giản, dễ hiểu, hiệu quả.
1. Đơn giản: tức là loại bỏ đi các khâu không cần thiết, không mang lại hiệu quả cao. Tâm lí người dân không thích đi bầu cử nhiều lần, vậy nên nếu thiết kế hệ thống bầu cử rườm rà quá thì sẽ ít người đi bầu cử, như vậy lại thành không đạt hiệu quả. Nếu được thì nên ưu tiên hệ thống bầu cử mà người dân chỉ phải đi một hai lần.
2. Dễ hiểu: cách thức bầu cử có dễ hiểu mới mong phổ quát được trong dân chúng, nhất là những dân tộc ít hiểu biết về chính trị như Việt Nam ta. Từ đó mới gia tăng được số người quan tâm cũng như đi bầu cử.
3. Hiệu quả: việc lựa chọn hệ thống bầu cử cũng giống như ta đang nấu canh vậy. Nhiều muối quá thì mặn mà ít thì lại nhạt, cũng tương tự như vậy với mì chính hay bột nêm, rồi lại phụ thuộc vào khẩu vị hay thể trạng của người ăn nữa. Cùng một món canh nhưng hai người ăn khác nhau lại có tỉ lệ cho gia vị khác nhau. Tương tự lựa chọn hệ thống bầu cử cũng vậy, phải dựa vào đặc điểm của đất nước ta hiện tại để cân nhắc nên ưu tiên điều gì và cái gì thì có thể giảm nhẹ được.
Đặc điểm của đất nước Việt Nam ta cho đến hiện tại có thể viết ngắn ngọn như sau: Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lập quốc sớm, trải qua nghìn năm thăng trầm, chắt lọc tạo ra một bề dày văn hóa tốt đẹp cần phải được lưu giữ và phát huy. Là một quốc gia thống nhất về lãnh thổ, đa dân tộc nhưng chỉ có một dân tộc nắm chủ đạo về mặt dân số (dân tộc Kinh chiếm khoảng 86% dân số). Là một quốc gia (gần như) thống nhất về mặt ngôn ngữ, chữ viết trên toàn quốc. Điều này dẫn đến người dân Việt Nam có văn hóa, phong tục khá tương đồng nhau. Tuy Việt Nam trải qua nghìn năm dựng nước nhưng đều là chế độ quân chủ (phong kiến), hiện tại đang sống dưới chế độ độc tài do Đảng Cộng sản (ĐCS) nắm quyền, chưa từng biết đến chế độ dân chủ (trừ chế độ bán dân chủ VNCH tồn tại rất ngắn ở miền nam) vậy nên nhận thức về chính trị của người Việt khá thấp, lại còn bị méo mó do sự tuyên truyền sai lệch của ĐCS Việt Nam.
Vậy nên thứ chúng ta cần ưu tiên trong đề xuất hệ thống bầu cử là: Ngăn chặn độc tài quay trở lại trong tình trạng dân trí chưa cao (vốn dĩ có sức đề kháng thấp với độc tài).
Có thể giảm nhẹ tính đa nguyên: Bởi Việt Nam là một quốc gia có một dân tộc nắm chủ đạo về mặt dân số, thống nhất về ngôn ngữ, tương đồng về mặt văn hóa. Tức là Việt Nam là một quốc gia có tính đồng nhất cao. Sự sai khác ở đây chủ yếu là sai khác ở vị trí địa lý dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế có chút khác biệt. Tính đa nguyên chỉ chú trọng khi: một quốc gia có nhiều dân tộc cùng chung sống, nhưng các dân tộc gần như tương đồng về mặt dân số (không có dân tộc nào nắm chủ đạo), ở những quốc gia này sự khác biệt về văn hóa, phong tục của người dân là rất lớn.
III. Lựa chọn thể chế.
Trong nội dung thi không nhắc đến thể chế vậy nên tôi chỉ viết sơ lược qua. Cá nhân tôi chọn thể chế Đại Nghị, tản quyền lí do cơ bản là vì:
- Thể chế này gần với thể chế của Việt Nam hiện tại nhất chính vì vậy quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra ít bất ổn gây thiệt hại cho đất nước. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo được áp lực để ĐCS phải nhượng bộ thay đổi điều 4 hiến pháp hiện hành, cho phép các đảng phái được tự do thành lập và tham gia tranh cử quốc hội, là chúng ta đã tiến một bước rất dài trong quá trình chuyển đổi thành thể chế Đại Nghị rồi. Việc tiếp theo là để cơ quan Tư Pháp (Tòa Án) hoạt động độc lập với hai cơ quan còn lại là Lập Pháp (Quốc Hội), Hành Pháp (cơ quan hành chính đứng đầu là chính phủ). Việc cuối cùng là tách quân đội ra khỏi đảng phái để có thể đứng trung lập, không nghiêng về bất cứ đảng phái nào. Điều này khác với Tổng Thống chế, cuộc chuyển đổi từ thể chế hiện tại sang chế độ Tổng Thống sẽ phải toàn diện hơn do Tổng Thống chế khác rất nhiều với chế độ hiện tại. Do vậy quá trình chuyển đổi khó khăn hơn, trong trường hợp nếu có chuyển đổi sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội hơn, nên khó được chấp nhận.
- Thể chế Tổng Thống không ổn định bằng chế độ Đại Nghị, bởi nó trao quá nhiều quyền lực cho Tổng Thống trong đó có vai trò tổng tư lệnh quân đội (có thể điều động quân đội). Vậy nên nếu đất nước có biến cố xảy ra, tổng thống rất có thể nhân cơ hội để đưa đất nước trở lại độc tài. Thực tế trên thế giới có rất ít nước áp dụng chế độ Tổng Thống mà thành công, phần đa đều trở lại thành chế độ độc tài.
- Tổng Thống chế thường có giới hạn nhiệm kì làm Tổng Thống đối với mỗi cá nhân, thường là hai. Vậy nên gần như không có gì ràng buộc Tổng Thống khi đã sang nhiệm kì thứ hai, điều này thường dẫn đến sự quan liêu trong các phát ngôn và ra các chính sách của mình. Khác với chế độ Đại Nghị vốn không có sự giàng buộc nhiệm kì cho các đảng, vậy nên để trúng các nhiệm kì sau các đảng phái sẽ phải cố gắng thực hiện lời hứa của mình, để gây ấn tượng trong lòng công chúng.
IV. Lựa chọn Quốc Hội.
Quốc hội là cơ quan lập pháp của một quốc gia. Quốc hội được người dân bầu cử và có nhiệm vụ thông qua hiến pháp và các bộ luật và thường được thiết kế theo hình thức Nghị viện.
Có hai loại quốc hội
Một viện: quốc hội chỉ bao gồm một viện duy nhất. Ví dụ: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,... Chiếm 60% số lượng các nước trên thế giới.
Lưỡng viện: quốc hội bao gồm hai viện là thượng nghị viện, và hạ nghị viện. Ví dụ: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Campuchia...
Đại biểu quốc hội tại hạ nghị viện thường là do người dân trực tiếp bầu, nên còn gọi là dân biểu. Trong khi đại biểu quốc hội tại thượng nghị viện thường được gọi là nghị sĩ, hay là thượng nghị sĩ.
Như vậy ta thấy nên ưu tiên quốc hội nhất viện bởi sự đơn giản gọn nhẹ của nó. Mặc dù có nhược điểm là có thể thông qua các điều luật, chính sách một cách vội vàng, có thể có lợi cho đảng cầm quyền. Thế nhưng so với việc có thể dẫn đến bế tắc trong việc thông qua các dự luật, chính sách khi hai viện thượng viện, hạ viện mâu thuẫn với nhau. Thì ưu nhược điểm của hai loại nghị viện này bù trừ cho nhau, thứ ta có còn lại là một quốc hội gọn nhẹ khi lựa chọn chế độ nhất viện. Mặt khác có thể giảm nhược điểm của quốc hội nhất viện bằng cách nâng tỉ lệ % đồng thuận khi biểu quyết, thì một dự luật mới được thông qua (giả sử >70% nghị sĩ đồng thuận), hoặc quốc hội thông qua hai lần mỗi lần biểu quyết cách nhau một khoảng thời gian (một tháng chẳng hạn) thì dự luật mới chính thức thông qua. Cũng có thể giảm trừ mâu thuẫn trong quốc hội lưỡng viện bằng cách, cách các thành viên thượng viện (thượng nghị sĩ) là những người trung dung không thuộc đảng phái nào. Thế nhưng điều này rất khó đạt được bởi vì muốn được như vậy thì phải quy định các cử tri bầu lên thượng nghị sĩ phải là những người trung lập và điều này là gần như không thể. Vậy nên các thượng nghị sĩ thường sẽ là người có cảm tình với đảng nào đó hơn. Trong trường hợp nếu mọi người thống nhất phương án lưỡng viện thì tôi sẽ ủng hộ một thượng viện yếu.
V. Tản quyền hay tập quyền.
Tản quyền có nghĩa là trao nhiều hơn quyền tự quyết cho các cơ quan địa phương thông qua đó giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan trung ương. Một điều nữa chỉ có chính quyền địa phương mới hiểu rõ rất về địa phương của mình, từ đó mới có những chính sách hợp lí để tối ưu hóa tài nguyên, con người ở địa phương đó.
Về mặt bầu cử tản quyền có nghĩa là cho phép các vùng miền được quyền tự bầu cử và có nghị viện riêng của mình, nhằm thảo luận các chính sách, điều luật phù hợp với ngữ cảnh từng vùng miền đó (Chính sách, điều luật vùng nào thì chỉ áp dụng được cho vùng đó, và chính sách, điều luật ở vùng không được trái với chính sách, điều luật ở trung ương.)
*** “Một ưu điểm vô cùng quan trọng khác của tản quyền là nó làm giảm bớt xung đột chính trị, bởi vì một đảng có thể thua ở cấp trung ương nhưng vẫn có thể nắm quyền tại một số địa phương, nơi mà họ được tín nhiệm.
Một điểm lợi quan trọng khác của tản quyền là, chính nhờ các chính quyền địa phương mà mỗi khi có thay đổi chính quyền, thì những người lên cầm quyền ở trung ương cũng không phải là những người tập sự, mà ít nhất đã có kinh nghiệm ở cấp địa phương.”
(Trích: Khai sang kỷ nguyên thứ hai – Nguyễn Gia Kiễng)
***
Tập quyền có nghĩa là tập trung hết quyền tự quyết về cơ quan trung ương, cơ quan địa phương chỉ chấp hành hoàn toàn không có quyền tự quyết gì. Tập quyền tạo ra một đất nước đồng nhất, ai cũng giống ai, vùng nào cũng áp dụng chính sách như nhau. Trong khi mỗi vùng miền tùy thuộc điều kiện tự nhiên, dân tộc mà có lối sống, văn hóa và điều kiện phát triển riêng. Vậy nên tập quyền làm tê cứng một quốc gia, và khiến quốc gia kém phát triển, không những thế còn khiến quốc gia phát triển một cách lệch lạc.
Từ những dẫn chứng trên chúng ta thấy rằng: lựa chọn tản quyền mới là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam trong tương lai.
VI. Lựa chọn hệ thống bầu cử.
Đây là nội dung chính, tôi sẽ lấy ví dụ về Việt Nam mình cho dễ hiểu. Chúng ta giả sử rằng quốc hội Việt Nam tương lai có số thành viên là 500 đại biểu.
Trên thế giới hiện nay có hai hệ thống bầu cử chính đó là:
1. Hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều/đa số.
Đặc điểm nổi bật của biệt hệ thống bầu cử này là người chiến thắng là người giành nhiều phiếu nhất, hoặc giành được đa số phiếu. Ở những nước phân chia khu vực/đơn vị bầu cử với quy định mỗi khu vực/đơn vị bầu cử chỉ được bầu lấy một đại diện duy nhất thường áp dụng phổ biến nhất là hệ thống bầu cử theo quy tắc ai nhiều phiếu nhất là thắng (First Past the Post - FPTP). Nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng” chỉ có thể được áp dụng đối với đơn vị bầu cử chỉ bầu lấy một đại diện và người chiến thắng là người nhận được nhiều phiếu bầu hợp lệ nhất, bất kể là có đạt đa số hay không. Mỗi cử tri được nhận một lá phiếu trên đó có ghi tên của tất cả các ứng cử viên và cử tri chỉ được chọn lấy một cái tên duy nhất trong đó.
Ví dụ: ở Việt Nam ta có 500 đại biểu quốc hội vậy thì chúng ta phải chia đất nước thành 500 khu vực bầu cử, với số dân ở mỗi khu vực không chênh nhau quá nhiều. Và cử tri ở khu vực đó nhận được một lá phiếu có ghi tên tất cả các ứng cử viên, và cử tri chỉ được bầu cho duy nhất một ứng cử viên trong danh sách đó. Kết thúc bầu cử, ứng cử viên nào nhận được phiếu nhất là người chiến thắng, trở thành đại biểu quốc hội của khu vực đó.
Một số điểm lợi của hệ thống này là trong các nước theo chế độ đa đảng, hệ thống này giúp tạo lập chính phủ một đảng cầm quyền ổn định trong suốt nhiệm kỳ mà không phải liên minh với các đảng nhỏ khác. Hệ thống này là một trong những nhân tố góp phần tạo ra tình hình hai đảng lớn thay nhau cầm quyền tại Mỹ (Cộng hòa và Dân chủ), hay tại Anh (Công đảng và Bảo thủ), góp phần loại bỏ đại diện các đảng cực hữu ra khỏi cơ quan lập pháp. Do hệ thống này bầu ra người chiến thắng đại diện cho một khu vực địa lý nhất định nên nó cũng tạo ra mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa đại biểu được bầu với cử tri của khu vực bầu cử. Một số nhà bình luận cho rằng, đây là đặc tính “giải trình trách nhiệm theo khu vực địa lý”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở các xã hội nông nghiệp và các nước đang phát triển.
Nó cũng cho phép những cá nhân có sức ảnh hưởng trong cộng đồng tham gia tranh cử mà không cần phải gia nhập đảng.
Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng” cũng có nhiều khiếm khuyết, thường bị chỉ trích vì thiếu sự “công bằng” và thiếu tính chính đáng. Trong các chế độ đa đảng, hệ thống này loại bỏ các đảng nhỏ ra khỏi cuộc chơi quyền lực, và các đảng nhỏ không có được tỷ lệ đại diện công bằng mà họ đáng được có trong cơ quan lập pháp. Ví dụ như trong cuộc bầu cử liên bang năm 1993 của Ca-na-đa, Đảng Bảo thủ tiến bộ giành được 16% số phiếu bầu nhưng chỉ có được 0,7% số ghế trong Quốc hội. Hệ thống này còn có xu hướng loại bỏ tỷ lệ đại diện công bằng của các nhóm sắc tộc thiểu số và của phụ nữ ra khỏi Quốc hội.
2. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện (Proportional Representation-PR)
Nguyên lý chung của hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện là việc chuyển số phiếu mà một đảng chính trị nhận được trong bầu cử thành số ghế tương ứng trong cơ quan lập pháp cho đảng đó. Một nguyên tắc chung đối với hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện là mỗi khu vực bầu cử phải được bầu nhiều hơn một đại biểu. Ở một số nước nhỏ, dân số ít, như Israel và Hà Lan, cả nước là một đơn vị bầu cử, được bầu nhiều đại biểu. Ở một số nước khác, ví dụ như Ác-hen-ti-na và Bồ Đào Nha, đơn vị bầu cử được lấy căn cứ theo tỉnh.
Phương pháp bầu cử tỷ lệ đại diện theo danh sách cho phép mỗi đảng được trình một danh sách các ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử, cử tri bỏ phiếu cho một đảng nào đó và đảng này nhận được số ghế tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu mà họ nhận được. Người thắng cử được lấy từ danh sách theo trật tự thứ tự của danh sách. Số ghế được phân bổ được tính toán theo công thức lấy trị số trung bình cao nhất hoặc tính số dư lớn nhất. Công thức tính toán thế nào ảnh hưởng khá lớn đến tỷ lệ ghế của mỗi đảng.
Nếu áp dụng cho Việt Nam chúng ta có thể áp dụng mỗi tỉnh là một khu vực bầu cử như vậy cả nước có 64 khu vực bầu cử, mỗi tỉnh có số đại biểu quốc hội tỉ lệ thuận với số dân của tỉnh đó. Bởi vì một khu vực phải bầu nhiều đại biểu quốc hội, nên ta phải gộp các khu vực lại thành một khu vực lớn, đây là điểm khác trong cách tổ chức với hệ thống bầu cử số nhiều/đa số.
Điểm thuận lợi là: Kết quả bầu cử sẽ cho phép có một cơ quan lập pháp có tính đại diện cao hơn hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều hay đa số. Lợi ích rõ ràng của nó là tại những nước vốn có sự chia rẽ xã hội sâu sắc, việc bao gồm các nhóm xã hội khác nhau, không loại trừ nhóm yếu thế trong cơ quan lập pháp là điều kiện cần thiết để đảm bảo hòa hợp dân tộc và ổn định. Hệ thống này được nhiều nhà phân tích ca ngợi là tránh được kết quả bất công hay nguy cơ bất ổn do giảm thiểu khả năng chi phối tuyệt đối của các đảng lớn, vẫn tạo cơ hội tiếp cận quyền lực nhà nước cho các đảng nhỏ. Để làm được như vậy, đòi hỏi phải có sự nhất trí của các đảng chính trị khi nộp danh sách ứng cử viên của đảng, những người thể hiện ý chí và tư tưởng của đảng. Hệ thống này cũng tránh được lãng phí phiếu bầu, bởi lẽ, bất kỳ lá phiếu nào cũng đóng góp vào kết quả cuối cùng và có khả năng là thay đổi kết quả bầu cử, dù là nhỏ. Do hệ thống này khuyến khích tính đại diện, tính bao gồm, nên các đảng nhỏ, các lực lượng thiểu số đều có cơ hội, nó hạn chế được đáng kể tình trạng “lãnh địa bầu cử”, dẫn đến tính liên tục và ổn định cao hơn của chính sách, khuyến khích hoạt động chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích.
Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện cũng có những điểm bất lợi đáng kể. Hệ thống này có xu hướng dẫn đến các chính phủ liên hiệp và hệ thống đảng phái bị manh mún, bất ổn định. Hệ thống này cũng tạo điều kiện cho các đảng cực hữu hoặc cực tả có đất sống. Kết quả của hệ thống bầu cử này thường là có một chính phủ liên hiệp nhưng lại thiếu cơ sở liên minh vững chắc là những điểm đồng thuận về chính sách, tư tưởng và cơ sở ủng hộ, nên hay mất ổn định và dễ đổ vỡ. Thêm vào đó, hệ thống này cũng tạo ra nhiều quyền lực cho các đảng nhỏ trong cuộc mặc cả thành lập chính phủ liên hiệp với các đảng lớn, gây áp lực lớn đối với các đảng lớn và cử tri rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn được đảng nào ra khỏi quyền lực nhà nước.
(Phần trên có tham khảo và trích đoạn bài báo: So sánh một số hệ thống bầu cử trên thế giới) Tác giả: Bùi Hải Thêm http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx...
Đến đây tôi muốn nhắc thêm một đặc điểm nữa của Việt Nam hiện tại: đó là chúng ta đang sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản và đảng này sẽ luôn tìm cách để gia tăng quyền lực của mình. Đây hoàn toàn là xu hướng tâm lí bình thường, bất kì đảng nào nếu được cũng đều muốn gia tăng quyền lực và sự chính danh của đảng mình. Nó chỉ nhượng bộ khi có sức ép từ sự gia tăng nhận thức của người dân hoặc áp lực từ nước ngoài. Vậy nên ta có thể dễ dàng hình dung ĐCS sẽ nhượng bộ một cách từ từ. Ví dụ: nới rộng quyền tự do ngôn luận của người dân, cho các tổ chức dân sự hoạt động độc lập, rồi đến cho phép các đảng được thành lập, sau đó có thể cho các chính đảng được tham gia tranh cử nhưng đảng Cộng Sản vẫn giữ một lượng ghế nhất định tối thiểu trong quốc hội, và cuối cùng là tự do ngôn luận hoàn toàn và việc tranh cử giữa các đảng diễn ra công bằng. Điều này có nghĩa rằng khi cho phép các đảng được tham gia tranh cử nhưng đảng Cộng Sản sẽ làm mọi thứ có thể để chèn ép các đảng khác (kể cả mưu hèn kế bẩn), làm sao để đảng Cộng Sản nắm được nhiều ghế Quốc Hội nhất, thông qua đó để giữ quyền lực cho mình. Trong bối cảnh người dân vì sự thiếu hiểu biết về chính trị dẫn đến thờ ơ về chính trị, không đi bầu cử và giám sát bầu cử, điều này càng tạo cơ hội cho đảng Cộng Sản dễ dàng thao túng quá trình bầu cử. Bởi vì có thể lường trước được tình trạng này chúng ta phải thiết kế hệ thống bầu cử để hạn chế tối đa nó, đợi đến khi nhận thức về chính trị của người dân thực sự cao, ý thức được nghĩa vụ của mình thì ưu tư về việc chống độc tài không còn là gánh nặng nữa. Lúc đó chúng ta sẽ nhắc đến các mặt khác của hệ thống bầu cử như: sự công bằng, khả năng đại diện, tính đa nguyên…
Bởi vì hai hệ thống bầu cử cơ bản trên đều có ưu, nhược điểm vậy nên đa số các nước lựa chọn hệ thống bầu cử hỗn hợp, pha trộn tùy tỉ lệ giữa hai hệ thống bầu cử để hạn chế nhược điểm và tận dụng ưu điểm của hai hệ thống đó. Dưới đây tôi giới thiệu 3 hệ thống bầu cử được thiết kế ra với mục đích đó.
1. Hệ thống bầu cử theo tỉ lệ đại diện, nhưng trừ một số ghế quốc hội dành cho các cá nhân/cộng đồng không phải đảng.
Ví dụ: Quốc hội Việt Nam có 500 đại biểu, nhưng chúng ta chỉ dành 400 ghế để bầu cho các đảng. 100 ghế còn lại có thể dành cho cộng đồng hải ngoại 50 ghế, bởi họ luôn là một phần máu mủ của dân tộc mặc dù đã định cư ở nước ngoài, họ có quyền đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, ngược lại cũng đòi hỏi nhà nước cung cấp những quyền lợi chính đáng cho họ. 50 ghế còn lại chúng ta có thể chia cho các dân tộc thiểu số cùng chung sống trên đất nước này, mỗi dân tộc được đại diện bởi một đại biểu trong quốc hội.
Rất dễ thấy hệ thống bầu cử này giúp ngăn chặn một đảng chiếm trọn quốc hội, thông qua đó ngăn cản độc tài. Và chúng ta có thể cung cấp cho những cộng đồng trong nước những đại diện xứng đáng, mà để tự do tranh cử họ sẽ không có. Nhưng nó làm cho các đảng trở nên chiếm được ít ghế quốc hội hơn, và dễ hình thành nên một quốc hội yếu.
Cũng tương tự với hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều/đa số, nhưng trừ một số ghế quốc hội dành cho các tổ chức không phải đảng.
2. Hệ thống bỏ phiếu song song (Parallel voting)
Hệ thống này được sử dụng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga...
Ta sẽ lấy ví dụ hệ thống bầu cử ở Việt Nam tương lai cho dễ hiểu: Gỉa sử rằng Việt Nam tương lai lấy 50% đại biểu quốc hội được bầu cử theo tỉ lệ đại diện, 50% còn lại theo quy tắc số nhiều/đa số. Với quy ước ban đầu chúng ta có 500 đại biểu quốc hội, như vậy ta có 250 ghế được bầu theo tỉ lệ đại diện và 250 ghế được bầu theo quy tắc theo số nhiều đa số. Và để có thể bầu được 250 ghế theo số nhiều/đa số chúng ta phải phân cả nước thành 250 khu vực, mỗi khu vực bầu một đại biểu quốc hội. Còn về tỉ lệ đại diện chúng ta phải mở rộng (địa lí) khu vực bầu cử ra (thu hẹp số khu vực bầu cử lại) để có thể tiến hành bầu cử.
Với hệ thống bầu cử số nhiều/đa số: chúng ta hình thành thế lưỡng đảng với số ghế gần như nhau (hệ quả của kiểu bầu cử này). Gỉa sử đảng A được 50% của 250= 125 ghế, đảng B được 50% của 250=125 ghế.
Với hệ thống bầu cử tỉ lệ đại diện: chúng ta có nhiều đảng tất nhiên mỗi đảng có ít ghế hơn. Gỉa sử chúng ta có 3 đảng tham gia tranh cử và mỗi đảng có số ghế gần tương đương nhau, tức là: đảng A = đảng B = đảng C = 33% của 250 = 83 ghế.
Sau khi hoàn tất bầu cử chúng ta có số ghế của các đảng là: đảng A = đảng B = (125+83 = 208) = 41,6% ghế quốc hội. Đảng C = 83 = 16,6% ghế quốc hội.
Qua ví dụ trên ta thấy: Một đảng được người dân ủng hộ (đảng chiến thắng) hoàn toàn có thể tiệm cận đến 50% ghế quốc hội và tạo thành một chính phủ mạnh, ngược lại với hệ thống tỉ lệ đại diện thì đảng chiến thắng rất khó chiếm trọn số ghế quốc hội, do hệ thống bầu cử theo tỉ lệ đại diện có xu hướng tạo thành các đảng nhỏ.
Với hệ thống bầu cử này trong một quốc gia thực sự dân chủ nó cho phép đảng chiến thắng có đủ số ghế để tạo thành một chính phủ mạnh và ổn vững, và cũng cho phép các đảng nhỏ có đại diện của mình trong quốc hội tạo nên tính đa dạng đại diện được nhiều thành phần ngoài xã hội trong quốc hội (tỉ lệ đại diện). Nó cũng cho phép các cá nhân có tiếng nói trong cộng đồng được bầu với tư cách độc lập, mà không phải tham gia bất cứ đảng nào (một nửa bầu theo số nhiều/đa số). Nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn hạn chế được việc một đảng chiếm đa số quốc hội, với lí do cử tri ủng hộ đảng đó cả trong hai hệ thống bầu cử trên. Tức là bầu theo số nhiều/đa số thì chọn người của đảng A và bầu theo tỉ lệ đại diện cũng chọn đảng A luôn, như vậy nếu một đảng có quyền lực thực hiện gian lận bầu cử thì vẫn có cơ hội để họ chiếm đại đa số ghế quốc hội.
Bên cạnh hệ thống song song chúng ta có hệ thống đại diện tỷ lệ thành viên hỗn hợp (MMP) cũng tương tự, khác nhau ở chỗ hệ thống đại diện tỷ lệ thành viên hỗn hợp có cơ chế bù ghế, và cơ chế bù ghế này khá phức tạp. Đại diện của hệ thống này là nước Đức.
3. Hệ thống bầu cử với phần thưởng đa số (Majority bonus system) Hệ thống này do tôi đề xuất trong cuốn “Một Quan Điểm Về Triết Học” do NXB Tự Do xuất bản, trên thế giới có các quốc gia như San Marino, Ý, Hy Lạp (bãi bỏ năm 2019) áp dụng hệ thống này. Với ý tưởng rằng nếu chúng ta sợ:
a) Trong quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Việt Nam, đảng Cộng Sản sẽ cố gắng tìm cách hạn chế các đảng khác tham gia bầu cử để giành tối đa lợi ích cho đảng của mình, kể cả gian lận (thực tế là tất cả các đảng nếu được đều muốn tối đa hóa lợi ích cho đảng mình, bất kể theo trường phái chính trị, lí tưởng nào). Hoặc người dân vì thiếu hiểu biết chính trị mà quá ưu ái bầu cho một đảng nào đó, dẫn đến đảng này có quá nhiều quyền lực trong quốc hội và khó bị kiểm soát.
b) Hoặc chúng ta sợ theo chiều ngược lại với hệ thống bỏ phiếu theo tỉ lệ đại diện tạo thành các đảng nhỏ. Công với việc các đảng khi mới thành lập vẫn cứng nhắc theo đuổi lập trường riêng của mình, không tìm được tiếng nói chung. Điều này dẫn đến không thành lập được chính phủ, hoặc một chính phủ yếu, chậm trễ trong công tác điều hành đất nước.
Trong tình trạng của Việt Nam chúng ta, trường hợp một là có khả năng xảy ra. Như vậy thứ chúng ta lo ngại không phải là một chính phủ yếu mà là một đảng vì một lí do nào đó có thể không minh bạch chiếm đa số ghế trong quốc hội. Có rất nhiều minh chứng trong thực tế ở các nước mới dân chủ mà một đảng tìm mọi cách chiếm đa số ghế trong quốc hội, trước khi suy yếu dần và phải chấp nhận một cuộc bầu cử công khai, minh bạch như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Campuchia (đảng của thủ tướng Hunsen chiếm 100% ghế quốc hội, mặc dù có hơn 30 đảng tham gia tranh cử năm 2018).
Nếu đã dự đoán trước được điều này có khả năng cao xảy ra, vậy thì tại sao chúng ta không mặc định số lượng ghế cố định cho đảng chiến thắng? Hoặc ít nhất chúng ta sẽ đề xuất một giới hạn trần mà một đảng có thể có trong quốc hội, ví dụ: một đảng không thể quá 70% ghế trong quốc hội, nếu số phiếu bầu của cử tri vượt quá 70% thì số % phiếu bầu dư đó sẽ được chia cho các đảng khác theo % số phiếu bầu mà đảng đó nhận được từ cử tri từ hệ thống đại diện tỉ lệ.
Với việc mặc định số ghế cho đảng chiến thắng giả dụ là 50% (hoặc 60%) ứng với quốc hội Việt Nam là 250 (hoặc 300) ghế. Các đảng còn lại chia nhau 50% (hoặc 40%) ghế còn lại, dựa trên tỉ lệ phiếu bầu cử tri. Như vậy chúng ta không phải lo một đảng chiếm quá nhiều ghế trong quốc hội dẫn đến độc tài, hoặc các đảng có số ghế với tỉ lệ ngang nhau dẫn đến không có đảng nào đủ mạnh để thành lập chính phủ, do đó tạo ra một quốc hội và chính phủ yếu, thậm trí không thành lập được chính phủ.
Một nhược điểm mà mọi người thường chê trách hệ thống bầu cử này là nó không công bằng khi sự phân bổ số ghế trong quốc hội sai lệch quá nhiều so với phiếu bầu của cử tri. Thực ra lối bầu phiếu theo số nhiều/đa số cũng tạo ra tình trạng tương tự. Ví dụ như trong cuộc bầu cử liên bang năm 1993 của Ca-na-đa, Đảng Bảo thủ tiến bộ giành được 16% số phiếu bầu nhưng chỉ có được 0,7% số ghế trong Quốc hội. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng: hình thức không quan trọng, cái chúng ta cần là mục đích, chúng ta muốn hướng tới cái gì? Nếu chúng ta muốn một cuộc bầu cử công bằng thể hiện đúng nguyện vọng của người dân, chúng ta có hệ thống bầu cử theo tỉ lệ, vấn đề là hệ thống bầu cử theo tỉ lệ thường bị chệch hướng hoặc là một đảng chiếm quá nhiều ghế (a), hoặc nhiều đảng có số ghế gần ngang nhau (b) dẫn đến một quốc hội yếu, và thường thì sẽ nghiêng về phương án (b) hơn. Nếu chúng ta mặc định cho đảng chiến thắng một số ghế vừa phải, chúng ta có một chính phủ, quốc hội mạnh mẽ và ổn định. Nhưng nhược điểm là nó chỉ thể hiện được cho ý trí của một nhóm người ủng hộ đảng chiến thắng mà thôi.
VII. Tổng kết.
Như vậy chúng ta đã xem xét một cách tổng quát các hệ thống bầu cử trên thế giới, về mặt cá nhân tôi vẫn có thiện cảm với hệ thống phần thưởng đa số. Nhưng hệ thống này được ít quốc gia sử dụng hẳn vẫn còn nguyên do nào đó mà tôi chưa tìm hiểu hết, sử dụng nó có phần vẫn là mạo hiểm. Cũng là để đi đến một đồng thuận chung về tư tưởng của các tổ chức dân sự ở Việt Nam chúng ta, tôi ủng hộ hệ thống bầu cử song song với điều kiện nghiêm ngặt là áp mức trần mà số ghế tối đa một đảng có thể có trong quốc hội là 70%. Trong điều kiện ở một nước đã có nền dân chủ là không cần thiết áp mức trần (70%) như vậy, bởi vì gần như không thể có đảng nào có thể được ủng hộ đến mức đó. Thế nhưng ở những nước mới chuyển từ độc tài sang thì lại rất cần thiết, để tránh giống như cuộc bầu cử của Campuchia năm 2018. Với hệ thống bầu cử song song có áp mức trần (khoảng 70%) thì kết quả cũng gần giống với hệ thống phần thưởng đa số, nhưng được đánh giá là công bằng hơn.
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #Bầucử2305 #Ngàyhộitoàndân