(Bài dự thi của độc giả Anh Thư với chủ đề “Bầu cử tự do và công bằng”)
Hai lá phiếu bầu Hạ viện Đức. Phiếu bên trái bầu ứng cử viên, bên phải bầu theo đảng.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Bundestag & https://vi.wikipedia.org/wiki/Quốc_hội_Liên_bang_Đức
Bầu cử là một hoạt động chính trị quan trọng và có những tác động to lớn đến việc hình thành thể chế chính trị, cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị của xã hội. Những phương pháp bầu cử khác nhau sẽ tạo ra những hình thức thể chế chính trị rất khác nhau, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định chính trị của một quốc gia. Hiện nay, các nước trên thế giới đang áp dụng rất nhiều phương thức bầu cử khác nhau, nhưng tựu trung có thể tóm gọn trong ba phương pháp: đa số; tỷ lệ và hỗn hợp. Trong các phương pháp trên lại chia thành nhiều phương thức nhỏ và phức tạp hơn.
Trên thế giới hiện nay, hệ thống bầu cử được sử dụng phổ biến nhất là bầu cử theo tỷ lệ, tiếp đến là bầu cử theo đa số, các hệ thống khác ít được sử dụng hơn. Ở một số khu vực, các hệ thống bầu cử tương đối đồng nhất, ví dụ: 81% các nước vùng Caribe và Bắc Mỹ sử dụng hệ thống đa số; tương tự, 74% các nước Mỹ Latinh và 70% các nước Tây Âu sử dụng hệ thống tỷ lệ. Ngược lại, khu vực Bắc Phi và Trung Đông lại sử dụng những hệ thống bầu cử khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân để một quốc gia lựa chọn nột hệ thống bầu cử, chẳng hạn như: đảm bảo tính công bằng; giảm bớt chia rẽ sắc tộc, hay lợi ích phe phái; do ảnh hưởng của truyền thống hoặc di sản thuộc địa… Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất trong việc áp dụng hệ thống bầu cử thường liên quan đến sự cạnh tranh lợi ích giữa các phe phái. Do cách thức bầu cử ảnh hưởng đến việc ai sẽ là người chiến thắng trong các cuộc bầu cử, nên các lực lượng khác nhau cố gắng lựa chọn hệ thống nào có lợi nhất cho mình. Và hệ thống bầu cử được lựa chọn là kết quả của sự thỏa thuận giữa các phe phái.
Để cung cấp cho độc giả một tầm nhìn tương đối tổng quát về các phương pháp bầu cử đang được thực hiện trên thế giới, trong phạm vi bài dự thi này, tôi chỉ xin giới thiệu sơ lược một số điểm chính, cũng như những ưu nhược điểm của các phương pháp bầu cử nói trên.
A. PHƯƠNG PHÁP BẦU THEO ĐA SỐ:
Trước hết, cần nói rằng, bầu cử có hai hình thức khác nhau: Cách thứ nhất là bầu trực tiếp cho ứng cử viên; và cách thứ 2 là bầu cho đảng phái chính trị, sau đó đảng chính trị sẽ chỉ định thành viên của mình trở thành người thắng cử.
Hệ thống bầu cử theo đa số là hệ thống trong đó ứng viên hay đảng nhận được nhiều phiếu nhất sẽ chiến thắng. Hệ thống này được gọi là “đa số” là vì chúng thường giúp cho một đảng có thể giành được đa số ghế trong quốc hội, ngay cả khi đảng đó không giành được đa số phiếu bầu. Hệ thống này có xu hướng giúp cho các đảng lớn đạt được chiến thắng, trong khi các đảng nhỏ thường chỉ giành được ít ghế hoặc thậm chí không giành được ghế nào, dù họ vẫn đạt được một số phiếu bầu nhất định. Có nhiều phương pháp đa số đang được sử dụng trên thế giới, chúng ta sẽ tìm hiểu một số dạng phổ biến nhất.
I. Phương pháp đa số tương đối áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại diện (SMDP)
Đây là hệ thống đa số đơn giản nhất và được sử dụng phổ biến nhất, chủ yếu ở Anh và các thuộc địa cũ của Anh như Canada, Mỹ… Thông thường, cả nước sẽ được chia thành các đơn vị bầu cử, với quy mô tương đương nhau về dân số. Mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu ra một người đại diện duy nhất. Mỗi cử tri có một lá phiếu, và họ sẽ bỏ lá phiếu đó cho ứng viên mà họ ủng hộ. Ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất là người thắng cuộc, và trở thành người đại diện cho đơn vị bầu cử. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống “ngựa chạy về nhất”, nghĩa là người giành được nhiều phiếu nhất là người thắng cuộc giống như trong các cuộc đua ngựa.
Hệ thống SMDP có một số ưu – nhược điểm sau.
Ưu điểm:
1. Hệ thống này rất đơn giản, do đó cử tri dễ dàng hiểu và áp dụng; do đó cũng dễ dàng cho việc quản lý và chi phí bầu cử tương đối thấp.
2. Làm gia tăng trách nhiệm của người đại diện. Bởi vì chỉ có một người đại diện trong một đơn vị bầu cử, nên có thể dễ dàng quy trách nhiệm về những gì xảy ra trong đơn vị bầu cử đó cho người đại diện, và buộc họ phải làm việc có trách nhiệm hơn, tốt hơn, nếu muốn tiếp tục được bầu trong kì bầu cử kế tiếp.
3. Tạo ra chính phủ đa số một đảng. Đây là dạng chính phủ có sự ổn định và khả năng chịu trách nhiệm cao hơn so với các dạng chính phủ khác.
Nhược điểm:
1. Tạo ra kết quả dưới đại diện ở cấp đơn vị bầu cử. Nghĩa là, một ứng viên có thể chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu dưới 50%.
2. Tạo ra kết quả dưới đại diện ở cấp độ quốc gia. Bởi vì, có thể có trường hợp, một đảng nào đó có rất ít hoặc không có ứng viên giành được ghế trong quốc hội, trong khi tổng số phiếu mà các ứng viên của đảng đó nhận được trên toàn quốc khá lớn. Ngược lại, một đảng khác có thể giành được đa số ghế trong quốc hội, thậm chí là tất cả, song lại chỉ nhận được số lượng phiếu ít hơn 50% trên toàn quốc; bởi các ứng viên của họ về nhất trong các đơn vị bầu cử.
3. Khuyến khích gian lận trong việc phân chia đơn vị bầu cử. Đây là một hiện tượng phổ biến đối với những quốc gia áp dụng hệ thống này.
4. Khuyến khích cử tri bỏ phiếu chiến lược hơn là bỏ phiếu theo sở thích thực sự. Nghĩa là bỏ phiếu cho ứng viên mình thích, nhưng không phải thích nhất, song lại là ứng viên có khả năng giành chiến thắng.
5. Khuyến khích tạo ra các đảng sắc tộc trong những nước mà các nhóm sắc tộc sống tập trung thành từng khu vực. Kết quả làm cho các quốc gia bị chia rẽ về địa lý tạo ra các khu vực riêng biệt do các đảng khác nhau kiểm soát; đồng thời không khuyến khích các đảng thu hút cử tri ra bên ngoài khu vực thành trì của đảng mình.
II. Phương pháp lá phiếu thay thế (AV)
Để tránh hiện tượng ứng viên chiến thắng mà không cần giành được trên 50% phiếu bầu, một số nơi đã cho phép cử tri lựa chọn ứng viên theo thứ tự ưu tiên, thay vì chỉ bỏ phiếu cho một ứng viên duy nhất. Tức là cử tri sẽ đánh số trong một danh sách các ứng viên theo sở thích của mình. Nếu có ứng viên giành được đa số tuyệt đối hơn 50% với ưu tiên một, thì ứng viên đó giành chiến thắng. Nếu không có ứng viên nào đạt được trên 50% với ưu tiên một, thì ứng viên có ưu tiên một thấp nhất sẽ bị loại. Số phiếu của người này sẽ được tái phân phối cho các ứng viên khác, theo ưu tiên thứ hai của cử tri bỏ trên lá phiếu của người này. Quá trình này được thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi có một ứng viên giành được đa số tuyệt đối và trở thành người thắng cuộc.
Một điều thú vị của phương pháp này là, lúc đầu một ứng viên giành được nhiều phiếu nhất. Tuy nhiên, sau nhiều lần tái phân phối phiếu theo ưu tiên của cử tri, thì ứng viên khác lại trở thành người thắng cuộc. Phương pháp này được áp dụng cho bầu cử Hạ viện Úc, Fiji, hay bầu Tổng thống ở Ireland.
Các ưu – nhược điểm của phương pháp AV
Ưu điểm:
1. Phương pháp AV giữ được phần lớn ưu điểm của phương pháp SMDP. Chẳng hạn, do chỉ có một người đại diện được bầu, nên cử tri có thể dễ dàng quy trách nhiệm cho họ về các chính sách và buộc họ phải làm việc tốt hơn nếu muốn trúng cử trong kì bầu cử kế tiếp.
2. Cử tri có nhiều cơ hội hơn trong việc thể hiện quan điểm bầu cử của mình.
3. Giúp cử tri không cần bỏ phiếu chiến lược, mà bỏ phiếu cho người họ thích nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, điều này không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn hiện tượng bỏ phiếu chiến lược.
4. Khuyến khích ứng viên vận động bầu cử ra bên ngoài khối cử tri cốt lõi truyền thống, để giành lấy ưu tiên số hai, số ba của cử tri. Đây cũng là lý do khiến cho hệ thống này được khuyến khích sử dụng cho các xã hội có sự chia rẽ sâu sắc về sắc tộc như Bosnia, Fiji và Nam Phi.
Nhược điểm:
1. Nhiều ý kiến phê phán cho rằng, ứng viên chiến thắng có thể không giành được đa số tuyệt đối “thực sự”. Bởi vì người giành được nhiều phiếu ưu tiên một nhất, có thể lại không phải là người chiến thắng.
2. Phức tạp và gây khó khăn cho cử tri trong việc bỏ phiếu, cũng như tốn kém về tiền bạc và thời gian trong việc tổ chức bầu cử.
3. Khả năng sai sót hoặc gian lận trong việc tái phân phối phiếu.
III. Phương pháp hai vòng (TRS)
Theo phương pháp này, việc bầu cử có thể phải tiến hành hai vòng.
Nếu có ứng viên hay đảng trong vòng bầu cử đầu tiên giành được một mức phiếu cụ thể theo quy định (thường là trên 50%) thì sẽ chiến thắng. Nếu không thì tổ chức bầu cử vòng hai, thường là một hoặc hai tuần sau đó. Ứng viên hay đảng nào giành được nhiều phiếu nhất ở vòng hai sẽ là người chiến thắng.
Phương pháp hai vòng này được chia thành hai dạng chính: TRS tuyệt đối và TRS tương đối.
- Phương pháp TRS tuyệt đối: áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại biểu, trong đó mỗi cử tri có một lá phiếu và bầu cho một ứng viên. Ứng viên nào đạt trên 50% phiếu trong vòng thứ nhất thì chiến thắng. Nếu không thì hai ứng viên giành được nhiều phiếu nhất sẽ chạy đua trong vòng hai. Ai giành được nhiều phiếu hơn trong vòng hai thì chiến thắng.
Phương pháp này được sử dụng trong các cuộc bầu cử tổng thống ở nhiều nước như Pháp, Mali và hầu hết các nước Mỹ Latinh. Nó cũng được sử dụng cho các cuộc bầu cử quốc hội ở một số nước như Haiti, Kyrgyzstan và Ukraine.
- Phương pháp TRS tương đối: áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại biểu, trong đó mỗi cử tri có một phiếu và bỏ cho một ứng viên. Nếu ứng viên nào giành được trên 50% phiếu trong vòng đầu thì chiến thắng. Nếu không thì những ứng viên vượt qua được một ngưỡng quy định, sẽ tiếp tục chạy đua trong vòng hai. Trong vòng hai, ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất (không nhất thiết phải lớn hơn 50%), thì chiến thắng.
Phương pháp này được dùng cho bầu cử Hạ viện Pháp, trong đó tất cả ứng viên giành được trên 12.5% trong vòng một thì sẽ được tham gia chạy đua cho vòng hai.
Các ưu – nhược điểm của phương pháp TRS
Ưu điểm:
1. Trao cho cử tri nhiều lựa chọn hơn so với phương pháp SMDP. Chẳng hạn, một cử tri bỏ phiếu cho một ứng viên bị thua trong vòng một sẽ có thêm một cơ hội bỏ phiếu quyết định người chiến thắng trong vòng hai.
2. Cho phép cử tri thay đổi ý kiến, qua đó thay đổi ứng viên, khi họ có nhiều thông tin mới về các ứng viên trong khoảng thời gian giữa hai vòng bầu cử.
3. Cử tri ít bị thúc đẩy phải bỏ phiếu chiến lược hơn so với phương pháp SMDP, bởi họ có cơ hội thứ hai để ảnh hưởng lên kết quả bầu cử.
4. Khuyến khích các ứng viên chạy đua trong vòng hai vận động ra ngoài thành trì chính trị của họ, giành sự ủng hộ từ cử tri của các ứng viên đã bị thua trong vòng một.
Nhược điểm:
1. Do bầu cử hai vòng, nên tốn kém chi phí quản lý bầu cử, tốn thời gian cho cử tri. Thực tế cho thấy có sự sụt giảm đáng kể số lượng cử tri đi bầu trong vòng bầu cử thứ hai.
2. Tạo ra kết quả không tỉ lệ giữa số phiếu và số ghế. Số liệu cho thấy, phương pháp này tạo ra kết quả bất tỉ lệ nhất so với các phương pháp bầu cử khác.
3. Làm giảm sự đại diện của nhóm thiểu số. Chẳng hạn, Guinier cho rằng nhiều bang miền nam nước Mỹ áp dụng phương pháp TRS để làm giảm khả năng chiến thắng của các ứng cử viên người Mỹ gốc Phi.
B. PHƯƠNG PHÁP BẦU THEO TỶ LỆ:
Mục tiêu của phương pháp bầu cử tỉ lệ là tạo ra kết quả tỉ lệ - tức số ghế tương ứng với số phiếu. Ví dụ: Nếu một đảng giành được 10% số phiếu, thì sẽ giành được 10% số ghế; giành được 20% số phiếu, thì sẽ giành được 20% số ghế; v.v… Có thể chia phương pháp bầu cử tỉ lệ thành hai dạng chính là: phương pháp đại diện tỉ lệ theo danh sách đảng (list PR) và phương pháp lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng (STV).
Các phương pháp này có hai đặc điểm chung:
1. Áp dụng cho đơn vị bầu cử nhiều đại diện. Vì nếu áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại diện, thì không thể phân chia ghế cho các đảng theo tỉ lệ số phiếu mà các đảng giành được.
2. Sử dụng một hạn ngạch (quota) hoặc một ước số (divisor) để xác định ai là người được bầu trong các đơn vị bầu cử.
Phương pháp này có các ưu – nhược điểm sau
Ưu điểm:
1. Tạo ra kết quả bầu cử tỉ lệ. Điều này giúp tránh được hiện tượng một đảng giành được một số lượng phiếu bầu đáng kể song lại chỉ giành được ít ghế; hoặc một đảng chỉ giành được dưới 50% phiếu bầu, song lại được trên 50% số ghế trong quốc hội. Vì vậy, kết quả bầu cử sẽ công bằng hơn.
2. Các đảng nhỏ có nhiều khả năng sẽ có chân trong quốc hội, theo tỉ lệ số phiếu mà họ giành được. Điều này khuyến khích cử tri không cần phải bỏ phiếu chiến lược, mà có thể bỏ phiếu theo sở thích thực sự của mình.
3. Một số học giả cho rằng phương pháp này thích hợp hơn với các xã hội có sự chia sẽ sâu sắc về tôn giáo và sắc tộc. Nó tạo cơ hội cho mọi nhóm đều có chân trong quốc hội. Qua đó, hình thành các chính phủ liên minh, chia sẻ quyền lực, hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các thành phần trong xã hội. Vì vậy, hệ thống chính trị trở nên ổn định hơn so với việc một nhóm đa số nắm quyền và gạt các nhóm thiểu số ra khỏi đời sống chính trị mà các phương pháp bầu cử đa số thường tạo ra.
4. Từ các lý do trên, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong hệ thống PR thường cao hơn so với hệ thống đa số.
Nhược điểm:
1. Có xu hướng tạo ra các chính phủ liên minh với một số vấn đề cố hữu. Rất khó buộc các đảng trong chính phủ liên minh chịu trách nhiệm cho các chính sách của chính phủ. Bởi vì, trong kì bầu cử kế tiếp, dù có thể mất đi một phần sự ủng hộ, song họ vẫn có thể có chân trong chính phủ liên minh. Mặt khác, các chính phủ liên minh thường kém ổn định hơn so với các chính phủ một đảng do các phương pháp bầu cử đa số tạo ra.
2. Phương pháp này cho phép các đảng nhỏ và cực đoan có chân trong quốc hội. Sự tồn tại của các đảng cực đoan có thể làm xói mòn nền dân chủ, như đã từng xảy ra trong quá khứ với Đảng Nazi (của Hitler) trong Cộng hòa Weimar.
3. Các đảng nhỏ mà phương pháp tỷ lệ tạo ra, lại có vai trò lớn trong quá trình hình thành chính phủ và thường nhận được sự nhượng bộ lớn hơn nhiều so với tỷ lệ số ghế mà họ có. Điều này là vì các đảng lớn cần họ để thành lập chính phủ hoặc thông qua một chính sách nào đó.
4. Sự liên hệ giữa người đại diện và cử tri thường yếu, bởi có nhiều người đại diện trong cùng một đơn vị bầu cử. Nhiều khi, cử tri không biết được ai đang đại diện thực sự cho đơn vị bầu cử của họ.
I. Các phương pháp đại diện tỉ lệ theo danh sách (PR)
Theo các phương pháp này, mỗi đảng đưa ra một danh sách ứng viên cho mỗi đơn vị bầu cử. Sau đó, họ sẽ nhận được số ghế tỉ lệ với số phiếu mà đảng của họ giành được. Các phương pháp PR khác nhau ở một số điểm quan trọng sau: a) công thức để phân chia số ghế cho các đảng (hạn ngạch hay thương số); b) độ lớn của đơn vị bầu cử; c) ngưỡng bầu cử; d) dạng danh sách đảng.
- Công thức phân chia ghế: có hai công thức là hạn ngạch (quotas) và thương số (divisors)
Theo phương pháp hạn ngạch (quotas), thì hạn ngạch là số phiếu đảm bảo cho một đảng giành được một ghế trong một đơn vị bầu cử, được xác định bởi công thức: Q(n)=Vd/(Md+n)
Trong đó: Vd là tổng số phiếu hợp lệ trong đơn vị bầu cử d; Md là số ghế của đơn vị bầu cử d, và n là một số nguyên tùy theo phương pháp tính (n là 0 với hạn ngạch Hare, là 1 với hạn ngạch Hagenbach-Bischoff, v.v...)
Ví dụ, với hạn ngạch Hare cho một đơn vị bầu cử có 10 ghế đại diện và 100 ngàn phiếu hợp lệ. Số phiếu để một đảng giành được một ghế tại đơn vị bầu cử đó sẽ là 100,000:10 = 10,000.
Nhưng với hạn ngạch Hagenbach- Bischoff cho đơn vị bầu cử tương tự sẽ là 100,000:(10+1) = 9.090 phiếu.
Theo phương pháp thương số (divisors), tổng số phiếu mà một đảng giành được trong một đơn vị bầu cử sẽ được chia cho một chuỗi các số gọi là số chia. Sau đó số ghế được phân phối cho các đảng có các thương số lớn nhất. Người ta chia tổng số phiếu của từng đảng cho chuỗi số 1,2,3,4,5 v.v… và mỗi đảng đạt được một chuỗi các thương số. Sau đó so sánh các thương số của các đảng, với cùng một số chia sẽ chọn được thương số lớn nhất. Nếu đơn vị bầu cử có 10 ghế thì chọn ra 10 thương số lớn nhất. Kết quả là, nếu đảng A có 5 thương số lớn nhất thì nhận được 5 ghế, đảng B có 2 thương số lớn nhất thì được 2 ghế, v.v…
- Độ lớn đơn vị bầu cử là số đại diện được bầu trong một đơn vị bầu cử.
Đây là nhân tố chính ảnh hưởng đến sự tỉ lệ của hệ thống bầu cử. Các hệ thống bầu cử sẽ có sự tỉ lệ lớn hơn khi đơn vị bầu cử có độ lớn lớn hơn. Ví dụ, một đảng cần giành được hơn 25% số phiếu để đảm bảo giành được một ghế trong đơn vị bầu cử có độ lớn là 3 (hay có ba đại diện), nhưng sẽ chỉ cần hơn 10% số phiếu trong đơn vị bầu cử có độ lớn là 9. Kết quả bầu cử sẽ trở nên bất tỉ lệ khi độ lớn bầu cử nhỏ, bất kể công thức bầu cử nào được sử dụng. Độ lớn của đơn vị bầu cử rất khác nhau giữa các nước. Chẳng hạn, Hà Lan, Slovakia có đơn vị bầu cử là toàn quốc với 150 đại biểu, trong khi Chile có đơn vị bầu cử chỉ với hai đại biểu.
Độ lớn của đơn vị bầu cử cũng ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa người đại diện và cử tri. Khi độ lớn đơn vị bầu cử tăng, thì mối liên kết giữa người đại diện và cử tri giảm đi.
Ngưỡng bầu cử quy định số phiếu tối thiểu mà một đảng phải giành được để có chân trong quốc hội. Có hai loại là ngưỡng chính thức được áp đặt về mặt pháp lý và ngưỡng tự nhiên do một đặc điểm toán học của phương pháp bầu cử tạo ra. Độ lớn của ngưỡng bầu cử có ảnh hưởng lớn đến sự tỉ lệ của hệ thống bầu cử.
Ở Hà Lan, bất cứ đảng nào nếu giành được hơn 0.67% số phiếu quốc gia thì cũng giành được ghế trong quốc hội. Đây là ngưỡng tự nhiên do có 150 ghế được phân phối trong một đơn vị bầu cử quốc gia, tức là 100%:150 = 0.67%.
Trong khi đó, ngưỡng chính thức được viết trong luật bầu cử. Ví dụ, các đảng chính trị ở Israel phải giành được 2% số phiếu bầu quốc gia mới có thể giành được ghế trong quốc hội, ở Thổ Nhĩ Kỳ, các đảng phải giành được tối thiểu 10% số phiếu mới có ghế trong quốc hội. Ngưỡng chính thức được sử dụng để làm giảm sự phân mảnh của quốc hội khi ngăn không cho các đảng quá nhỏ có ghế trong quốc hội. Ngưỡng chính thức có ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử. Chẳng hạn, có rất nhiều đảng nhỏ không vượt qua được ngưỡng 10% trong cuộc bầu cử quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2002. Nhiều đến mức tổng số phiếu cử tri bầu cho các đảng này chiếm 46% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa là 46% số phiếu cử tri trở thành phiếu vô nghĩa.
- Các dạng danh sách đảng: có hai loại là danh sách đóng và danh sách mở
Với danh sách đảng đóng, cử tri bầu cho đảng chứ không bầu cho ứng viên cụ thể. Trật tự ứng viên giành được ghế do đảng quyết định. Ghế thứ nhất dành cho ứng viên được ghi danh ở vị trí đầu tiên trong danh sách, ghế thứ hai cho ứng viên được ghi danh ở vị trí thứ hai v.v… Do đó, nếu một đảng giành được bốn ghế trong một đơn vị bầu cử, thì bốn ứng viên đầu tiên trong danh sách sẽ trở thành những người đại diện. Các ứng viên còn lại bị loại. Phương pháp này có hai ưu điểm: 1. gia tăng kỉ luật trong đảng; 2. nếu muốn cho các ứng viên thiểu số hoặc ứng viên nữ giành chiến thắng, thì có thể đặt họ lên đầu danh sách của đảng.
Trong danh sách đảng mở, cử tri không chỉ bầu cho đảng mà còn bầu cho ứng viên trong đảng mà mình thích. Ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất thì trở thành người đại diện cho đảng. Chẳng hạn, nếu một đảng giành được bốn ghế trong một đơn vị bầu cử, thì bốn ứng viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ trở thành người đại diện cho đảng. Phương pháp này cho phép cử tri tự do hơn trong việc lựa chọn các ứng viên mà mình thích. Tuy nhiên, nó làm suy yếu sự kiểm soát của đảng đối với đảng viên và dẫn đến việc cạnh tranh trong nội bộ đảng để trở thành người đại diện, vì vậy làm suy yếu đảng.
II. Phương pháp lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng (STV)
Đây là hệ thống bầu cử tỷ lệ duy nhất không sử dụng danh sách đảng. Nó được sử dụng cho đơn vị bầu cử nhiều đại diện. Thông thường, cử tri sẽ đặt các con số bên cạnh tên các ứng viên, cho biết lựa chọn số một, số hai, số ba... của mình.
Để giành chiến thắng, các ứng viên phải đạt đươc một hạn ngạch hay ngưỡng phiếu bầu nào đó. Nếu không đủ ứng viên đạt được hạn ngạch cần thiết để dại diện cho đơn vị bầu cử, thì ứng viên với số lượng lựa chọn đầu tiên ít nhất sẽ bị loại. Số phiếu từ ứng viên bị loại và số phiếu dư từ các ứng viên đã được bầu chọn, sẽ được tái phân phối cho các ứng viên còn laị. Quá trình này diễn ra cho đến khi có đủ số ứng viên đạt được hạn ngạch để đại diện cho đơn vị bầu cử.
Đây là một hệ thống bầu cử khá phức tạp.
Các ưu – nhược điểm của phương pháp này
Ưu điểm:
1. Cung cấp cho cử tri cơ hội để truyền đạt nhiều hơn thông tin về sở thích của mình. Cử tri trong hệ thống SVT có cơ hội sắp xếp theo trật tự tất cả các ứng viên hơn là đơn thuần bỏ phiếu theo kiểu có hay không. Sở thích của cử tri sẽ được tái phân phối khi một ứng viên thắng cử hoặc bị loại, nên giảm thiểu số phiếu bị lãng phí.
2. Cho phép cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên của các đảng khác nhau, và điều này có nghĩa rằng cử tri có thể bỏ phiếu cho các ứng viên có quan điểm chính sách tương tự với họ ngay cả khi ứng viên đó đến từ các đảng khác.
3. Khuyến khích ứng viên thu hút các nhóm bên ngoài khối cử tri cốt lõi của mình.
4. Giúp giảm bớt chia rẽ, nhất là trong các xã hội có sự chia rẽ lớn.
5. Cử tri không cần phải bỏ phiếu chiến lược và tăng cường mối liên kết giữa cử tri và người đại diện, khiến người đại diện có trách nhiệm và quan tâm hơn đến các vấn đề địa phương mà mình đại diện.
Nhược điểm:
1. Làm suy yếu tính thống nhất trong đảng. Bởi vì cử tri được phép xếp hạng các ứng viên trong cùng một đảng, khiến cho các ứng viên này có thể sẽ vận động chống lại nhau.
2. Hệ thống khó sử dụng trong các đơn vị bầu cử lớn, do tính phức tạp.
C. PHƯƠNG PHÁP BẦU CỬ HỖN HỢP
Hệ thống bầu cử hỗn hợp sử dụng kết hợp cả hai phương pháp tỉ lệ và đa số trong việc phân bổ số ghế. Hầu hết hệ thống này sử dụng nhiều cấp bầu cử, thường là hệ thống đa số cho cấp thấp (đơn vị bầu cử cơ sở - quận) và hệ thống tỉ lệ sử dụng cho cấp cao (khu vực hoặc quốc gia). Hai dạng hệ thống bầu cử hỗn hợp là: độc lập và phụ thuộc.
I. Phương pháp bầu cử hỗn hợp độc lập
Đây là hệ thống sử dụng đồng thời hệ thống đa số và tỉ lệ một cách độc lập với nhau, còn được gọi là “hệ thống hỗn hợp song song”. Dạng này sử dụng công thức đa số và tỷ lệ cho hai cấp bầu cử riêng biệt. Ví dụ, tại Ukraine vào năm 1998 và 2002, một nửa số nghị sỹ được bầu với hệ thống đa số SMDP ở cấp địa phương, và nửa còn lại được bầu với hệ thống tỷ lệ theo danh sách đảng PR cho cấp quốc gia. Tỷ lệ phân chia số ghế giữa phương pháp đa số và phương pháp tỷ lệ tùy vào từng quốc gia, như ở Ukraine hay Hạ viện Đức là 50 - 50. Ở một số nước, ví dụ Hàn Quốc người dân chỉ có một lá phiếu sử dụng cho cả hai bộ phận của hệ thống bầu cử. Một số nước khác, như Nhật, người dân có hai lá phiếu: một cho bộ phận đa số, và một cho bộ phận tỷ lệ.
II. Phương pháp bầu cử hỗn hợp phụ thuộc
Hệ thống này áp dụng công thức tỉ lệ phụ thuộc vào sự phân bổ số ghế do công thức đa số tạo ra. Bộ phận tỷ lệ được sử dụng để bù đắp cho sự bất tỷ lệ mà hệ thống đa số tạo ra. Hệ thống này sử dụng công thức đa số và tỷ lệ cho hai cấp bầu cử riêng biệt. Ví dụ, Mexico bầu 300 đại biểu theo công thức đa số SMDP trong các đơn vị cơ sở và 200 đại biểu theo hệ thống danh sách đảng PR trong năm đơn vị bầu cử cấp khu vực, mỗi đơn vị bầu 40 đại biểu. Các nước sử dụng hệ thống hỗn hợp phụ thuộc bao gồm Albania, Đức, và New Zealand.
Trong hệ thống này, cử tri có hai lá phiếu. Họ bỏ lá phiếu thứ nhất cho một người đại diện ở cấp cơ sở (phiếu ứng viên), và lá phiếu thứ hai cho một danh sách đảng ở cấp cao hơn, cấp khu vực hay quốc gia (phiếu đảng). Dạng hệ thống này cho phép cử tri có thể bỏ lá phiếu đầu tiên của mình cho ứng viên đến từ một đảng, và lá phiếu thứ hai cho một đảng khác. Kết quả bầu cử trong hệ thống hỗn hợp phụ thuộc này sẽ tỷ lệ hơn kết quả trong hệ thống hỗn hợp độc lập.
Nhìn chung, các hệ thống hỗn hợp là một nỗ lực kết hợp những mặt tích cực của các hệ thống đa số và tỷ lệ. Hệ thống hỗn hợp giúp giảm bớt kết quả bất tỷ lệ, đồng thời đảm bảo rằng một số người đại diện có liên hệ trực tiếp với đơn vị bầu cử cụ thể. Hệ thống hỗn hợp phụ thuộc tạo ra hai nhóm nghị sỹ, một nhóm chịu trách nhiệm với cử tri ở đơn vị bầu cử, và một nhóm chịu trách nhiệm với đảng. Điều này ảnh hưởng đến sự gắn kết trong đảng.
#Bầucử #Phidânchủ #Quốchội #ĐảngCộngsản #Minhbạch #Ứngcử #Cửtri #Trúngcử #BaucuQuochoi2021 #VietnamElection2021 #Ngàyhộitoàndân #sángsuốtlựachọn